Lần đầu thực chiến
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã có lần thực chiến thành công đầu tiên khi đánh chặn tên lửa đạn đạo của Houthi.
Theo Defense News, cuộc tấn công của Houthi diễn ra vào giữa tháng 1 nhắm vào một cơ sở dầu mỏ gần căn cứ không quân al-Dhafra, nơi có lực lượng UAE, Mỹ và Pháp đóng quân.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD |
LOCKHEED MARTIN |
Cuộc tấn công có sự phối hợp của tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và thiết bị bay không người lái (drone), đã làm 3 thường dân thiệt mạng và 6 người bị thương, theo đại sứ UAE tại Mỹ Yousef Al Otaiba.
Trong cuộc tấn công, UAE đã sử dụng hệ thống THAAD để ngăn chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung, đánh dấu lần thực chiến đầu tiên của hệ thống này.
Hệ thống THAAD do nhà thầu Lockheed Martin (Mỹ) phát triển từ thập niên 1990 nhằm chống lại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Hệ thống này được thiết kế để ngăn chặn đầu đạn của tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối, lúc sắp đến mục tiêu. Mặc dù gặp nhiều thách thức trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu nhưng hệ thống THAAD dần được cải thiện độ tin cậy và được Mỹ triển khai ở nhiều nơi như Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam.
Hệ thống THAAD thử nghiệm tại Hawaii hồi năm 2010 |
Lục quân Mỹ |
Năm 2019, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ trình diễn năng lực điều khiển hệ thống này từ xa để phóng tên lửa đánh chặn, sau 16 cuộc thử nghiệm đánh chặn thành công liên tiếp trước đó.
UAE là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua hệ thống này với hợp đồng trị giá khoảng 1,13 tỉ USD và bao gồm 48 tên lửa đánh chặn, 9 xe phóng và 2 radar. UAE có tên lửa đầu tiên vào năm 2015 và triển khai tại vùng ven vịnh Ba Tư để đối phó mối đe dọa từ Iran.
Xem hệ thống phòng không THAAD Mỹ thử nghiệm đánh chặn tên lửa |
Ngoài THAAD, UAE còn sở hữu và vận hành hệ thống tên lửa phòng không Patriot (PAC-3) có khả năng chống tên lửa đạn đạo. Hệ thống này do nhà thầu Raytheon (Mỹ) phát triển.
Năm 2017, Ả Rập Xê Út đồng ý mua THAAD trong hợp đồng được cho là trị giá 15 tỉ USD. Trong khu vực, Israel cũng phát triển các hệ thống phòng không từ tầm ngắn đến tầm xa gồm Iron Dome, David’s Sling và Arrow.
Một xe phóng tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống THAAD của Mỹ triển khai tại khu vực quản lý của Bộ Chỉ huy trung tâm |
Lục quân Mỹ |
Xung đột leo thang
UAE là một thành viên của liên quân do Ả Rập Xê Út dẫn đầu can thiệp vào cuộc nội chiến tại Yemen từ năm 2015, sau khi Houthi chiếm thủ đô Sanaa.
Bộ Chỉ huy trung tâm của Mỹ hôm 21.1 xác nhận “một mối đe dọa đang tiến đến” đã buộc các quân nhân tại căn cứ al-Dhafra phải xuống boongke trú ẩn trong khoảng 30 phút vào đêm 16.1. Binh sĩ được lệnh phải mặc đồ bảo hộ trong suốt 24 sau đó.
Houthi thời gian qua thường dùng drone và tên lửa tấn công Ả Rập Xê Út và các cơ sở dầu mỏ ở vùng Vịnh nhưng cuộc tấn công ngày 17.1 là lần đầu tiên UAE thừa nhận bị Houthi nhắm đến, đánh dấu sự leo thang của xung đột.
Ngày 24.1, quân đội Mỹ thông báo Houthi tiếp tục tấn công bằng tên lửa nhắm vào căn cứ al-Dhafra. Lực lượng Mỹ đã sử dụng hệ thống phòng không Patriot để ngăn chặn 2 tên lửa tiến đến căn cứ.
Chiến đấu cơ tàng hình F-35A của Mỹ tại căn cứ al-Dhafra hồi năm 2019 |
Không quân mỹ |
Reuters dẫn lời một người phát ngôn của lực lượng vũ trang của Houthi tuyên bố muốn trừng phạt UAE vì ủng hộ các nhóm vũ trang đang chống lại Houthi tại Yemen.
UAE sau đó cho chiến đấu cơ F-16 không kích phá hủy một giàn phóng tên lửa của Houthi tại Yemen. Đoạn video trắng đen về vụ việc được Bộ Quốc phòng nước này công bố cho thấy vụ nổ lớn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố Mỹ lên án hành động leo thang của Houthi và tái khẳng định cam kết gia tăng năng lực phòng thủ cho các đối tác UAE và Ả Rập Xê Út.
Chính quyền Mỹ được cho là đang cân nhắc đề nghị của UAE về việc đưa Houthi vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài và tái áp đặt lệnh cấm vận tài chính.
Bình luận (0)