Helen Lê, Oops Banana: Đừng đặt nặng chuyện kiếm tiền khi mới bắt đầu làm YouTube

05/03/2022 10:00 GMT+7

Ẩm thực đang là mảng chủ đề được rất nhiều nhà sáng tạo lựa chọn và theo đuổi trên nền tảng YouTube những năm gần đây. Nhiều người cho rằng ẩm thực là mảng dễ làm, không cần đầu tư nhiều công sức và chất xám nhưng thực sự công việc của một nhà sáng tạo nội dung ẩm thực có dễ dàng như thế? Hãy theo dõi những chia sẻ, lưu ý về những nguyên tắc cộng đồng của YouTube từ Helen Lê (Helen’s Recipes) và Oops Banana - 2 nhà sáng tạo nổi bật ở mảng ẩm thực và khám phá hành trình sự nghiệp của họ trong suốt những năm qua.

Helen Lê - tên thật Lê Hạ Huyền, là cái tên quen thuộc trên YouTube của các tín đồ ẩm thực với những video chia sẻ cách làm món Việt bằng tiếng Anh. Xuất phát từ tình yêu và mong muốn lan toả ẩm thực Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế, trong thời gian học tập, làm việc và sinh sống tại Đức, Helen Lê đã bắt đầu thực hiện kênh YouTube Helen’s Recipes (Vietnamese Food).

Helen Lê và Oops Banana là 2 khách mời trong tập 5 của "Trở thành nhà sáng tạo YouTube"

ảnh: nvcc - đồ họa: quỳnh phương

Tính đến nay, kênh YouTube Helen’s Recipes đã đạt gần 600.000 lượt đăng ký theo dõi. Hầu các món ăn được Helen hướng dẫn khá gần gũi, dễ tìm nguyên liệu ở các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước. Ngoài ra, điều khác biệt ở những video dạy nấu ăn của Helen là ở chỗ cô giới thiệu món ăn bằng tiếng Anh nên mức độ lan tỏa ngày một rộng hơn. Từ năm 2014, Helen đã quay trở lại Việt Nam và bắt đầu dồn tâm huyết và phát triển kênh YouTube của mình.

Oops Banana - tên thật Phạm Văn Dũ, lại là cái tên quen thuộc với các khán giả trẻ trên YouTube trong vài ba năm trở lại đây với những video trải nghiệm ẩm thực, du lịch và cả vlog chia sẻ về cuộc sống thường ngày.

Điểm đặc biệt ở Oops Banana khiến nhiều người yêu mến anh chàng là lối nói chuyện dí dỏm, luôn luôn vui vẻ và năng lượng tích cực mà anh truyền tải vào các video trên YouTube. Sau gần 5 năm theo đuổi công việc của một nhà sáng tạo nội dung, hiện kênh YouTube Oops Banana đã thu về gần 5 triệu lượt đăng ký và con số này vẫn đang tăng lên từng ngày.

Sáng tạo nội dung ẩm thực và các nguyên tắc cộng đồng của YouTube

PV: Với các video nội dung ẩm thực, những nội dung hay hình ảnh gì dễ vi phạm nguyên tắc cộng đồng của YouTube nhất mà một nhà sáng tạo thường gặp phải?

Oops Banana: Có một đợt mình về một vùng nọ để trải nghiệm ẩm thực và được các anh chị ở địa phương chế biến các món ăn giúp. Trong video thì mình có quay lại cảnh người ta cắt tiết gà rồi đăng lên bình thường. Lúc đó mình cũng chưa hiểu lắm về nguyên tắc cộng đồng của YouTube nên chỉ thấy video không được bật kiếm tiền rồi sau đó có lời nhắc nhở từ team YouTube để cảnh báo cho mình là video này vi phạm nguyên tắc cộng đồng. Qua những video sau mình rút kinh nghiệm dần dần. Những cảnh chế biến món ăn mà mình thấy hơi ghê một chút, có vẻ sẽ vi phạm nguyên tắc thì mình cắt đi.

Helen Lê: Mình bắt đầu làm YouTube từ cách đây 10 năm. Thời điểm đó để trở thành partner (đối tác) của YouTube thì rất là khó nên mình đã đọc rất kỹ các chính sách và nguyên tắc cộng đồng của YouTube. Nhưng cũng có một số lần mình có vướng một số cảnh như con ếch bị buộc lại bán ở ngoài chợ hay là cảnh giết mổ để chế biến món ăn. Những cảnh đó Helen thấy cũng khá nhạy cảm vì khán giả ở Mỹ của mình khá nhiều và họ cũng không quen với hình ảnh giết mổ nên mình hạn chế đưa những cảnh đó lên video. Chính sách của YouTube không cấm hoàn toàn các cảnh giết mổ. Ví dụ các cảnh lấy nang mực hay làm ruột cá thì vẫn được phép cho nên cũng không quá khó trong việc vừa đảm bảo nội dung hấp dẫn vừa tuân thủ nguyên tắc của YouTube.

Helen và Oops Banana đều sản xuất các nội dung liên quan đến ẩm thực trên YouTube

ảnh: nvcc

PV: Trong trường hợp kênh YouTube của mình vi phạm nguyên tắc cộng đồng thì hậu quả hay là hình phạt mình phải nhận là gì?

Oops Banana: Như mình vừa chia sẻ thì thời gian đầu làm YouTube, mình chưa biết những cái nào nên hạn chế quay, những cảnh nào thì sẽ vi phạm nguyên tắc cộng đồng của YouTube. Có một lần mình đi du lịch Hà Nội, mình có quay cảnh một người bạn của mình sử dụng điếu cày trên video thì cảnh đó mình không blur (xóa mờ) nên mình nhận được cảnh cáo từ YouTube “đây là chất kích thích” và video đó mình bị tắt kiếm tiền. Đây là trải nghiệm mà mình nhớ nhất. Ở bất kỳ sân chơi nào cũng vậy, mình cần tìm hiểu kỹ luật của sân chơi đó.

YouTube có nhiều nguyên tắc nhưng theo Helen và Oops Banana, các nguyên tắc đều không quá khắt khe

ảnh: nvcc - đồ họa: quỳnh phương

Helen: Do Helen khá kỹ tính nên từ ban đầu Helen đã đọc kỹ và làm theo đúng các chính sách của YouTube. Về cảnh quay, các cảnh nhạy cảm, không phù hợp với chính sách của YouTube mình cũng không đưa vào. Kênh của mình từ đó đến giờ chưa bị nhận cảnh cáo bao giờ. Duy chỉ có lần do mình sử dụng nhạc bản quyền nên bị tắt kiếm tiền.

“Nếu nội dung của bạn vi phạm Nguyên tắc Cộng đồng của YouTube, chúng tôi sẽ xóa nội dung đó và thông báo cho bạn qua email. Nếu đây là lần đầu tiên bạn vi phạm Nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi, thì bạn có thể bị nhắc nhở mà không phải nhận hình phạt nào đối với kênh. Nếu đây không phải lần đầu tiên vi phạm thì kênh của bạn có thể phải nhận cảnh cáo. Nếu bạn nhận 3 cảnh cáo trong vòng 90 ngày, thì kênh của bạn sẽ bị chấm dứt.Nếu bạn cho rằng kênh / tài khoản của mình bị chấm dứt do nhầm lẫn, bạn có thể khiếu nại bằng cách sử dụng biểu mẫu này.Không gửi yêu cầu kháng nghị nhiều lần. Nhiều yêu cầu làm tăng số lượng xem xét và gây ra sự chậm trễ trong phản hồi của chúng tôi.Điền vào biểu mẫu đầy đủ nhất có thể, bao gồm cả ID kênh của bạn. Bạn cung cấp cho chúng tôi càng nhiều thông tin thì việc xử lý yêu cầu của bạn càng dễ dàng hơn.”

Thông tin từ YouTube

PV: Có bao giờ Oops Banana gặp phải trường hợp mình giới thiệu một món ăn hay quán ăn nào đó rồi khán giả của mình họ cũng tới thưởng thức. Sau đó khán giả phản hồi là quán có vấn đề về vệ sinh hay giá cả không minh bạch chẳng hạn. Còn với Helen Lê, có bao giờ khán giả phản hồi là dù đã làm theo công thức bạn hướng dẫn nhưng thành phẩm lại không như ý?

Helen Lê: Ồ trường hợp đó mình đã gặp rất nhiều rồi. Khi mình hướng dẫn chế biến món ăn thì mình dùng dụng cụ của mình, nguyên liệu mình lựa chọn. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng món ăn nên dù làm theo công thức mình hướng dẫn thì vẫn có nhiều trường hợp ra thành phẩm không giống nhau.

Ví dụ như dụng cụ đong đếm khác nhau sẽ cho ra những lượng nguyên liệu khác nhau, rồi ví dụ như khi muối dưa thì mình không rõ bình muối của họ đã được tiệt trùng kỹ hay chưa. Đó là những vấn đề thường gặp nhất và mình cũng không rõ là liệu họ có làm theo đúng 100% như công thức của mình hay không.

Oops Banana: Thường thì mình quay các video trải nghiệm ẩm thực nhiều hơn như mình đi ăn ở hàng quán nào đó thì mình ghi lại những trải nghiệm thực tế của mình. Có thể lúc mình đi ăn thì mình thấy quán đó ngon và giá cả hợp lý thật nhưng sau một thời gian khác thì chất lượng quán lại khác, đó là thứ mình không thể kiểm soát được. Thậm chí mình còn được chính các bạn khán giả review giúp mình là quán nào chất lượng, quán nào chính gốc để lần sau mình rút kinh nghiệm, đến đúng nơi, trải nghiệm đúng món ăn để cho ra các nội dung chất lượng hơn.

“Ẩm thực là mảng dễ làm nhưng để nổi bật thì không đơn giản”

PV: Năm 2021 vừa rồi thì Việt Nam chúng ta trải qua một đợt dịch Covid-19 khá là nặng nề. Nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn thì phải trải qua thời gian giãn cách khá dài và Huy nhận thấy là nhiều nhà sáng tạo nội dung trên YouTube cũng đã phải thay đổi khá nhiều để thích ứng. Với riêng Oops Banana và Helen Lê, hai bạn thích ứng thế nào với thời kỳ đó?

Oops Banana: Từ trước đến nay, nội dung của mình ở trên kênh đa phần là đi du lịch và trải nghiệm ẩm thực. Nhưng khi dịch Covid-19 ập tới, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8 năm 2021, mình không đi du lịch được nên mình phải chuyển hướng sao quay các video đời sống hằng ngày như là nấu ăn cùng bạn để chia sẻ với khán giả. Lúc đó mình cũng chỉ nghĩ đơn giản là quay video để cập nhật đến khán giả rằng trong thời gian dịch bệnh, mình vẫn đang ổn và mình muốn truyền năng lượng tích cực đến người xem. Việc chuẩn bị nguyên liệu cũng rất khó vào thời điểm giãn cách nhưng mình phải cố gắng thôi.

Helen Lê đã sáng tạo nhiều công thức món ăn dễ làm trong thời gian giãn cách xã hội

ảnh: nvcc - đồ họa: quỳnh phương

Helen Lê: Sau đợt dịch vừa rồi, Helen thấy ai cũng có thể trở thành master chef (siêu đầu bếp) được hết vì nấu ăn tại nhà là chủ đề rất hot. Kênh của Helen trong thời kỳ đó cũng thu về lượt view cao hơn hẳn so với thời gian trước đó. Mình ở nhà nấu ăn cũng gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu nhưng đó là khó khăn chung của tất cả mọi người. Vậy nên Helen sáng tạo các món ăn mà ai cũng có sẵn ở nhà mình như là các món ăn với cơm nguội chẳng hạn hoặc là những món dùng bánh tráng, đồ khô để chế biến. Trong thời gian giãn cách thì các bạn trong ekip của Helen không thể đến nhà để giúp Helen chuẩn bị nội dung và quay được thì Helen livestream thường xuyên hơn để cập nhật nội dung đến khán giả.

PV: Việc kiếm tiền trên YouTube từ việc sáng tạo nội dung mảng ẩm thực theo trải nghiệm của Oops Banana và Helen thì có dễ dàng không và liệu tiền bạc có phải là yếu tố quyết định việc 1 content creator theo đuổi được con đường này lâu dài?

Oops Banana: Về trải nghiệm cá nhân thì với công việc này, đây là lựa chọn và là niềm yêu thích của mình. Khi mình làm được một thời gian dài thì bắt đầu mình may mắn được nhiều người biết đến, được các nhãn hàng tin tưởng hợp tác và phát triển dần dần lên. Mình nghĩ nếu để bắt đầu công việc này mà suy nghĩ là cứ làm rồi sẽ có thu nhập cao, kiếm được nhiều tiền thì mình nghĩ là cái gì cũng đi đôi với công sức của nó.

Để có thu nhập cao thì bạn phải nâng cao kỹ năng. Chỉ giỏi nấu ăn không thì chưa đủ, bạn phải có những kỹ năng khác như quản lý ekip, biết về marketing, cập nhật xu hướng để sản xuất ra các nội dung hay. Bạn cũng phải hiểu về xu hướng và tâm lý khán giả nữa. Để đạt được các yếu tố đó thì mình nghĩ cũng cần thời gian khá dài. Và nói thật là khi mới bắt đầu công việc này thì thường các bạn sẽ không có thu nhập đâu nên đừng đặt quá nhiều kỳ vọng về tiền bạc lúc khởi điểm. Mình nghĩ để giỏi một việc gì đó thì mình cần đầu tư ít nhất là 10.000 giờ để học hỏi rồi mới tính đến chuyện tiền bạc.

Theo Oops Banana, để có thu nhập cao thì cần nhiều kỹ năng

ảnh: nvcc - đồ họa: quỳnh phương

Helen Lê: Mình nghĩ khi nhìn vào một YouTuber và thấy cuộc sống sang chảnh của họ thì đó đã là ở giai đoạn sau rồi. Hàng trăm người mới có 1,2 người như vậy thôi. Ngay như Helen, trong 1-2 năm đầu mình chỉ làm vì đam mê chứ không có thu nhập từ YouTube. Với bất kỳ việc gì thì mình cũng cần kiên định, đủ đam mê và quan trọng là đặt cho mình mục tiêu để phấn đấu, theo đuổi. Phải sau thời gian ít nhất là 6 tháng đến 1 năm thì kênh của mình mới đủ video và lượng view để mọi người biết đến. Và tất nhiên sau đó mình vẫn phải cố gắng để được nhãn hàng tài trợ. Helen đã đi con đường này được 10 năm rồi. Những năm đầu tiên, mình vẫn phải làm nghề khác để kiếm sống. Sau vài năm mới có thể chuyển qua làm YouTube full-time (toàn thời gian) được.

PV: Hiện nay thì số lượng nhà sáng tạo nội dung trên YouTube ở mảng ẩm thực khá là nhiều và có thể nói đây cũng là mảng mà các creator có thể linh hoạt trong cách thể hiện. Họ có thể tự nấu ăn, hướng dẫn nấu ăn, có thể ăn mukbang, có thể đi review món ăn, có thể trải nghiệm du lịch ẩm thực,... Phải chăng nhiều người lựa chọn mảng ẩm thực vì đây là mảng dễ làm? Và phải làm sao để nội dung của mình nổi bật và khác biệt so với số đông?

Oops Banana: Theo mình nghĩ, để giữ được cá tính riêng, để không hòa lẫn vào đám đông thì mình cứ là mình thôi. Ngoài ra, mình có thể tham khảo các bạn top creators (những nhà sáng tạo nổi bật) để học hỏi cách họ tạo ra những sản phẩm có nội dung tốt. Mình nghĩ nhiều người lựa chọn làm nội dung ẩm thực cũng là do nhu cầu thực tế của khán giả thôi. Mỗi ngày chúng ta đều phải ăn uống và vì thế nội dung về ẩm thực dễ gần gũi với khán giả hơn. Người xem họ thích những điều gần gũi và thân thiện nhất.

Helen Lê: Như Oops Banana nói thì chủ đề ẩm thực rất gần gũi vì ai cũng phải ăn cả. Nhưng mình phải đặt câu hỏi là “Người sáng tạo nội dung có thực sự yêu thích chủ đề đó hay chỉ chạy theo xu hướng?”. Mình làm YouTube là mình đi con đường dài, mình phải xây dựng kênh theo một chủ đề xuyên suốt nên nếu mình đã tập trung vào chủ đề ẩm thực thì mình phải thực sự yêu thích ẩm thực. Mình không chỉ làm một vài video mà có khi phải làm hàng trăm video nên thực sự phải có đam mê mới có thể làm lâu dài được. Người xem nhìn vào cũng có thể thấy được mình có thực sự đam mê hay không. Hãy là chính mình trước khi nghĩ đến các nội dung giật gân hay chạy theo xu hướng.

PV: Cảm ơn Helen Lê và Oops Banana vì những chia sẻ rất hữu ích ngày hôm nay!

Trở thành nhà sáng tạo YouTube

Ảnh

“Trở thành nhà sáng tạo YouTube” là chuỗi talkshow do Báo Thanh Niên tổ chức nhằm giải đáp những thắc mắc, chia sẻ về câu chuyện nghề và thưởng thức những phút giây giải trí cùng các sáng tạo nội dung nổi bật trên nền tảng YouTube. Các tập tiếp theo sẽ lên sóng theo khung giờ cố định lúc 20 giờ thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần trên kênh YouTube Báo Thanh Niên, fanpage Facebook Báo Thanh Niên và Thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.