Chưa dám chuyển đi vì thuê trọ cũng khó
Khoảng 17 giờ 30 hôm qua 18.10, sâu bên trong hẻm 435/89 đường Huỳnh Tấn Phát, dãy nhà trọ dành cho công nhân với hơn năm phòng ngập tới gần nửa bắp chân. Một ngày 2 lần, đến giờ nước lên, người dân ở đây phải lội ra cửa ngồi nhìn và đếm ngược thời gian chờ triều cường rút.
Chị Trần Ngọc Phi (45 tuổi) là cư dân xóm trọ ở đường Huỳnh Tấn Phát cho biết đã quá quen với triều cường hơn mười mấy năm. Cứ sau khi nước rút, chị đều phải dọn dẹp.
Chị Phi kể tính từ ngày 7.10, đợt triều cường hôm qua 18.10 là lần nước lên cao nhất và khiến chị "khủng hoảng" nhất. Giờ đó, chị tan làm về và hoảng hồn nhìn thấy nước ngập đen kịt ở khắp nhà, không kịp kê đồ đạc lên khiến nhiều món hư hỏng.
"Tôi đi làm không hay trời mưa. Hôm qua về tới nhà thì quạt, nồi cơm điện hư hết. Tủ lạnh bị nổ dây điện mới thay tốn mấy trăm sáng nay thì giờ ngập nữa. Nước tràn ra từ nhà vệ sinh rồi nước tràn từ sân vào khiến nhà tôi như biển nước. Phải đặt tạm cái hũ không ở ngay cống để hy vọng giảm bớt được rết, gián trôi vô mấy góc nhà", chị chia sẻ.
Người dân lau dọn nhà cửa, tát nước như ‘cơm bữa’ khi triều cường dâng cao
Căn phòng trọ chưa tới 12 m2 cùng một gác lửng là nơi chị Phi và em chị sinh sống. Chị cho hay: "Nếu trời mưa thì nước càng rút lâu, có khi tới 9 giờ tối, tát nước, lau nhà tới khuya mới có thể ngủ được. Trước mắt, tôi chưa dám chuyển đi vì thuê trọ cũng khó khăn. Tuy nhiên sắp tới phải nhờ chủ trọ xây thêm gờ chắn nước thì mới có thể thích nghi được với dòng triều ngày càng dữ dội".
Cùng cảnh ngộ, ông Phan Văn Vẹn (55 tuổi) phải xây thêm gờ giữa nhà sau khi triều đạt đỉnh hôm qua. Ông chia sẻ: "Hôm rằm nước dâng cao ngập hết nhà, dọn tới hơn 9 giờ tối. Sáng hôm nay tôi xây gờ ngăn liền luôn để có ngập thì ngập phía trước thôi, đồ đạc kê lên hết tránh hỏng hóc".
Ông cũng cho biết thêm dù hẻm nhỏ nhưng xe lưu thông rất nhiều trong lúc ngập để tránh kẹt xe ở đường Huỳnh Tấn Phát. Mỗi lần chạy ngang qua đây đều phải rồ hết ga, có khi tắt máy giữa chừng. Tuy nhiên, ảnh hưởng nhất là xe chạy tạo sóng làm nước tràn vô nhà người dân, khiến quá trình dọn dẹp càng thêm vất vả.
Hiện tại, ông Vẹn đang ráng tiết kiệm tiền để nâng nền nhà. Theo lời ông, "người ta làm đường lớn vì đường của chung. Còn nhà mình mình ở, muốn hết ngập thì phải tự bỏ tiền ra mới đỡ chứ rất khó để nâng đồng bộ. Nhiều người nâng nhà nhiều lần mà vẫn không theo kịp con nước, đổ nợ luôn".
Chợ nổi... xuất hiện
Triều cường lên, các hàng quán, tiệm tạp hóa ở các nhánh hẻm đường Huỳnh Tấn Phát cũng bất đắc dĩ thành "chợ nổi". Kinh doanh ế ẩm nhưng cũng không dám ngưng bán là tình hình chung của các tiểu thương nơi đây.
Chị Mai Thị Hương (44 tuổi, hẻm 487) xắn quần, đứng trong dòng nước ngập để giữ miếng mút ngăn nước không tràn vào cửa hàng. Trong khi đó, chồng chị đang tất bật quét nước không ngừng bằng chổi tre.
"Đỡ ngập nhà được bao nhiêu thì hay bao nhiêu. Tại tôi kinh doanh tạp hóa, nếu để nước tràn vào nhà làm ướt các thùng hàng thì rất khó bán, khách không chịu nguyên giá. Mấy hôm nay triều dâng cao, xe không dám vào hẻm ngập sâu nên buôn bán gì cũng khó khăn", chị chia sẻ.
Trong khi đó, chị Trần Xuân Giang (45 tuổi) buồn rầu khi xe bánh tráng rơi vào tình trạng ế ẩm. Tuy nhiên, chị cũng không dám nghỉ bán vì đây là nguồn thu nhập chính: "Bình thường mới mở là đã đông khách, vậy mà hôm nay dọn hàng hơn 4 tiếng cũng chỉ mới có vài người mua".
Được biết, chị Giang bán ở đây đã gần 5 năm. Theo chị, đây là đợt triều cường cao nhất, những năm trước không ngập nặng như vậy, thành ra không ai dám đậu xe để mua vì không biết khi nào thì nước lên.
"Thời gian gần đây mỗi lần triều dâng ngập ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt người dân. Tôi rất mong những con hẻm ở đây sớm được quy hoạch lại, tránh tình trạng chỉ nâng đường lớn hai bên rồi đẩy nước ngập về hết mấy ngõ hẻm", chị Giang bày tỏ.
Bình luận (0)