Thông tin từ các thương lái, lượng heo từ Long An và một số tỉnh miền Tây cách vài ngày lại “đổ bộ” vào các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn mấy trăm con sau khoảng thời gian từ 4 - 5 giờ sáng khiến một số ngày heo mảnh “dội chợ”, giá thành bị kéo xuống hoặc hàng bán chậm, ế ẩm hơn.
Heo Thái giá chỉ bằng 55% giá heo hơi Việt
Chẳng hạn, ngày 4.12, theo phản ánh của các thương nhân kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối, từ khuya 3.12 (rạng sáng 4.12), chợ đầu mối Hóc Môn có 5.050 con heo, trong đó có 600 con nhỏ dưới 80 kg. Tuy nhiên, sau 4 giờ sáng cùng ngày, từ các lò mổ Long An đổ lên chợ thêm 650 con, tổng lượng heo vào chợ tăng lên 5.700 con. Trước đó, ngày 2.12, lượng heo về chợ Bình Điền được báo 1.850 con, về chợ Hóc Môn 4.650 con. Tuy nhiên, sau 6 giờ 30 cùng ngày, lượng heo về chợ Hóc Môn lên con số 5.150 con, 50 con được bổ sung từ Long An về.
Đáng lưu ý, theo các thành viên Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cảnh báo, không loại trừ đó là lượng heo từ Thái về, rất khó kiểm soát về chất lượng. Đặc biệt, Thái Lan đã công bố dịch bệnh và hiện có 200.000 hộ dân tại quốc gia này đang nuôi heo theo kiểu nhỏ lẻ như các hộ nuôi heo lẻ của Việt Nam.
Nguyên nhân được một số chủ trại nuôi heo miền Tây lý giải do giá heo trong nước tăng phi mã, trong khi đó, giá heo hơi tại Thái Lan khá hấp dẫn. Chẳng hạn, heo hơi tại An Giang hiện 72.000 đồng/kg, tại một số tỉnh miền Tây giá trung bình 70.000 - 75.000 đồng/kg, trong khi đó, giá heo hơi tại Thái Lan khoảng 50 - 52 bath/kg (38.000 - 40.000 đồng/kg). Chênh lệnh lệnh đến 35.000 đồng/kg, chỉ bằng khoảng 55% giá heo hơi tại Việt Nam. Nếu tính luôn chi phí vận chuyển từ Thái Lan qua Campuchia về Việt Nam theo đường thủy, giá heo hơi từ Thái Lan nếu được đưa lậu vào Việt Nam trót lọt, các thương lái vẫn lãi lớn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Tiến Hiệp - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh An Giang cho biết, từ tháng 10 đến nay, sau khi có chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia 389 về tăng cường chống buôn lậu qua đường biên cuối năm vào tháng 10 vừa qua, riêng với buôn lậu heo qua đường biên, các lực lượng chức năng của tỉnh An Giang đã bắt được 15 vụ với khoảng 400 con heo (30 tấn) được vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam để tiêu thụ. Số heo bắt được phần lớn đều không rõ nguồn gốc, sau khi lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy phòng ngừa dịch bệnh lây lan, mất kiểm soát.
Thái Lan phạt tù 2 năm nếu vi phạm an toàn chăn nuôi heo
Tại tỉnh An Giang, theo Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, dịch tả lợn châu Phi khiến toàn tỉnh phải tiêu hủy hơn 28.500 con. Đến nay, còn 6/130 xã chưa hết thời gian công bố hết dịch, 124 xã đã hết thời gian thử thách, tạm gọi là hết dịch. Tuy nhiên, đa số các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ chưa dám tái đàn. Còn các doanh nghiệp lớn đang nuôi gia công cho CP miền Nam vẫn tiếp tục tái đàn theo chuẩn an toàn vệ sinh theo Công văn 4249 của Bộ NN-PTNT ban hành ngày 18.6.2019. Tổng một số trại lớn của các doanh nghiệp đang nuôi gia công theo con giống Đan Mạch tại đây có 3 trại lớn với 27.000 con. Ngoài ra, hiện một trại rộng 40 ha tại Tịnh Biên đang được xây dự kiến thả 15.000 heo nái, chuẩn bị giống cho năm sau.
Theo ông Hiệp, mặc dù Thái Lan không công bố bị “dính” dịch tả trên diện rộng, nhưng không có gì là an toàn cả, cảnh giác tái dịch đặt luôn đặt lên hàng đầu. Tình trạng heo không rõ nguồn gốc bị đưa vào Việt Nam trong thời gian qua là đáng lo ngại. Lực lượng chức năng vẫn đang triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nhập heo lậu từ Campuchia sang Việt Nam, nguy cơ gây tái dịch.
|
Trước đó, cuối tháng 9, Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan cũng thông tin trên Reuters, Thái Lan đã chỉ định 24/77 tỉnh thành khu vực giám sát dịch tả lợn châu Phi và yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt với hy vọng ngăn chặn sự bùng phát của bệnh dịch đã tấn công các quốc gia láng giềng. Tại thời điểm đó, Thái Lan cũng đã “âm thầm” tiêu hủy hơn 300 con heo tại một số địa phương. Còn 24 tỉnh được đưa vào diện theo dõi với những hạn chế trong việc vận chuyển heo nhà và heo rừng, cũng như heo giết mổ, tinh dịch hoặc phôi heo để gây giống. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm, sẽ bị phạt tù tới hai năm và phạt tiền lên tới 40.000 baht (tương đương hơn 1.306 USD).
Thực tế, Thái Lan đã rơi vào tình trạng bất ổn khi các nước láng giềng như Trung Quốc, Myanmar bị dịch tả lợn châu Phi từ hơn 1 năm trước. Cho đến tháng 9 vừa qua, khi lượng lớn heo chết trôi dạt trên sông dọc biên giới Thái Lan - Myanmar, khiến quốc gia này công khai tình trạng báo động tại một số tỉnh. Hiện 80% lượng heo tại Thái đang được nuôi trong các trang trại của CP Foods, Thai Food và Betagro. Tuy nhiên, 20% còn lại được gần 200.000 hộ nông dân nuôi nhỏ lẻ như nói trên. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đây cũng có thể là nguồn heo không kiểm soát đang được tuồn đi các nước, trong đó có Việt Nam qua đường Campuchia.
Bình luận (0)