Trong 2 ngày 17 - 18.9, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 đối với giáo dục trung học, trong đó có rất nhiều quy định mới được áp dụng từ năm học này.
Giảm đầu điểm nhưng không khống chế số lần kiểm tra
Tại hội nghị, một nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại diện các sở GD-ĐT là việc Bộ mới ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra, đánh giá với học sinh (HS) THCS, THPT.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng đổi mới đánh giá là rất cần thiết, nhưng lâu nay giáo viên (GV) có thói quen dùng điểm số để đánh giá HS nên khi tiếp cận thông tin thay đổi, một số thầy cô lo lắng.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, nêu ví dụ hiện nay, số đầu điểm với HS THCS rất nhiều. HS tiểu học 1 năm chỉ chấm điểm có bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, nhưng lên lớp 6 thì dồn dập các bài kiểm tra tính điểm.
Theo ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá để áp dụng ngay là vấn đề hết sức bức thiết, không thể chờ đến khi thực hiện chương trình, SGK mới.
“Chúng tôi đi kiểm tra thấy rằng có nơi HS lớp 9 có tới 49 lượt đầu điểm trong 1 năm học. Kiểm tra nhiều, liên tục như thế nhưng lại chưa đánh giá được thực chất năng lực của người học, lại gây áp lực quá lớn cho các em. Do vậy, việc giảm số đầu điểm là rất cần thiết”, ông Hồng nói.
Ông Hồng cũng cho rằng việc chốt số đầu điểm theo thời lượng học tập theo hướng giảm đáng kể, nhưng Thông tư 26 không khống chế số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên, vì tinh thần xuyên suốt của quy định mới là đánh giá vì sự tiến bộ của người học.
Ví dụ, môn toán có tối đa 12 đầu điểm 1 năm học, nhưng không có nghĩa HS chỉ làm 12 bài kiểm tra mà GV có thể cho HS thực hiện nhiều bài kiểm tra hơn. Mục đích là để HS có cơ hội nỗ lực để đạt kết quả tốt hơn so với chính em đó. Ví dụ, hôm nay kiểm tra HS A được 4 điểm nhưng nếu sau đó, GV không kiểm tra, đánh giá em đó thêm lần nào nữa, thì HS hết cơ hội. “Tuy nhiên, việc kiểm tra phải rõ mục tiêu yêu cầu cần đạt là gì... chứ không phải GV cứ thích kiểm tra gì thì kiểm tra”, ông Hồng nhấn mạnh.
Quy định mới đa dạng hình thức đánh giá thường xuyên như trực tuyến; qua hỏi đáp, viết, thuyết trình, sản phẩm học tập… Kiểm tra viết trong đánh giá thường xuyên có thể 15 phút, 30 phút và 45 phút… “Do vậy, nếu hiểu rằng bỏ hẳn bài kiểm tra 1 tiết là cách hiểu không đúng”, ông Hồng nói.
Ông Hồng cũng cho hay cuối tháng 10, Bộ sẽ tiếp tục tập huấn kỹ hơn cho GV cốt cán việc đánh giá bằng nhận xét. Nhận xét không phải viết chữ “cô khen” hoặc đóng cái dấu mặt cười vào bài viết của HS.
Chấm dứt đề kiểm tra của lớp này khó hơn lớp khác
Ông Hồng cũng cho rằng hiện nay có hiện tượng ngay trong một trường, do GV tự ra đề kiểm tra nên mức độ khó dễ của đề chênh lệch giữa mỗi lớp. GV có thể tùy tiện cho thêm câu hỏi rất khó vào đề kiểm tra vì cho rằng HS của mình học khá hơn. Do vậy, dẫn đến tình huống HS đạt điểm 10 của lớp này nhưng năng lực học tập lại không tốt bằng HS đạt điểm 8 của lớp khác, do không cùng một “thước đo”.
Thực tế này sẽ được cải thiện khi thực hiện theo cách đánh giá mới, các bài kiểm tra định kỳ phải tuân thủ quy định chung. Đề kiểm tra phải xây dựng trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình. Theo ông Hồng, khi làm được như vậy thì việc đối sánh kết quả giữa các địa phương, giữa từng lớp, từng HS mới phản ánh đúng thực chất và khi đó việc các trường ĐH, CĐ tuyển sinh bằng học bạ sẽ yên tâm hơn.
Việc xây dựng bài kiểm tra trên ma trận, đặc tả còn giúp tránh được những việc tiêu cực như ép HS học thêm chỉ vì GV đó ra đề. Để làm được điều này, theo ông Hồng, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ tập huấn sâu cho GV cốt cán xây dựng đề kiểm tra theo hướng ma trận, đặc tả. Trước khi Thông tư có hiệu lực (tháng 11.2020), Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn chung về cách ra đề kiểm tra theo ma trận, đặc tả, kèm đề minh họa để gửi các sở GD-ĐT.
Ông Hồng cũng nhấn mạnh việc điều chỉnh kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 26 chỉ thực hiện cho chương trình giáo dục hiện tại. Còn chương trình mới sẽ thực hiện theo thông tư mới hoàn toàn.
Thi tốt nghiệp THPT ra sao khi thay đổi kiểm tra, đánh giá ?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết kỳ thi năm 2020 đã được giao về cho địa phương với cách ra đề theo chuẩn đầu ra của chương trình, chứ không ra đề nhằm 2 mục tiêu như kỳ thi THPT trước đây. Nhờ vậy, kết quả thi đã phản ánh đúng hơn chất lượng dạy học ở phổ thông, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi với tên gọi thi tốt nghiệp THPT. Cách thức xây dựng đề kiểm tra theo ma trận, đặc tả mà Thông tư 26 đang hướng tới cũng nhằm tiến tới việc đánh giá định kỳ thực chất, công bằng hơn giữa các nhà trường, địa phương.
Ông Sái Công Hồng cho biết theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, đầu tháng 10, Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương chuẩn bị. Trước khi công bố, phương án này phải trình và được Chính phủ đồng ý mới cho phép triển khai.
|
TP.HCM: Sẽ có bộ tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh tiểu học
Ngày 18.9, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo khẩn đến Sở GD-ĐT TP.HCM về việc phê duyệt đơn vị in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chỉ đạo giao Sở GD-ĐT TP.HCM chịu trách nhiệm hoàn chỉnh tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương bậc tiểu học. Báo cáo Bộ GD-ĐT về tài liệu đã được phê duyệt trước khi chính thức ban hành bộ tài liệu giáo dục địa phương.
Tài liệu giáo dục địa phương TP.HCM lớp 1 phải đúng với nội dung được Hội đồng thẩm định thông qua bộ tài liệu giáo dục địa phương bậc tiểu học, được UBND TP.HCM phê duyệt. Mọi điều chỉnh, bổ sung phải được sự chấp thuận của UBND TP.
Bích Thanh
|
Chuyển giao quyền chọn SGK từ trường sang UBND cấp tỉnh
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 25 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông thay thế cho Thông tư 01. Theo đó, thực hiện theo luật Giáo dục 2019, việc chọn SGK sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định thay vì cấp trường như Thông tư 01.
Tuy nhiên, ông Thành khẳng định vai trò của GV và mỗi cơ sở giáo dục vẫn rất quan trọng. Quy trình sẽ bắt đầu từ đề xuất của GV, tổ bộ môn của mỗi nhà trường, chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học.
Kết quả chọn phải có trước 5 tháng trước năm học mới, để có đủ thời gian in ấn, tập huấn GV. Cuối tháng 11.2020, Bộ sẽ ban hành những SGK lớp 6 mới được hội đồng thẩm định phê duyệt, để các địa phương chuẩn bị lựa chọn cho năm học 2021 - 2022, năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, SGK với cấp THCS.
|
Bình luận (0)