Hết F0, hai anh em ở lại bệnh viện dã chiến làm việc để trả ơn bác sĩ

23/09/2021 09:18 GMT+7

Mẹ và bà ngoại đều rơi vào cảnh nguy kịch vì Covid-19 , cả hai may mắn được bác sĩ tận tình cứu chữa. Mong muốn được trả ơn và hỗ trợ bác sĩ hai anh em Quang Trường, Quang Sơn quyết định ở lại bệnh viện để hỗ trợ y bác sĩ chăm sóc người bệnh.

 Đó là câu chuyện của hai anh em Trần Lê Quang Trường (21 tuổi) và Trần Lê Quang Sơn (19 tuổi), dành thời gian cả ngày lẫn đêm cùng sức trẻ để hỗ trợ bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 4 (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Cả gia đình mang ơn bác sĩ quá nhiều nên muốn được đền đáp

Trần Lê Quang Trường (21 tuổi, ngụ tại Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết vào ngày 18.8 lần lượt 7 thành viên trong gia đình phát hiện bị nhiễm Covid-19.
Cả gia đình được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 4, trong đó mẹ và bà ngoại đều trở nặng. May mắn hai anh em Trường và Sơn đều chỉ có triệu chứng nhẹ nên có thể tranh thủ chăm sóc cho mẹ và bà.
“Mẹ em chuyển nặng rất nhanh, từ lúc vào bệnh viện đều phải thở oxy. Trong suốt 1 tuần khó khăn nhất, mẹ em may mắn được các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây hỗ trợ hết mình. Những đêm mẹ khó thở, 1 - 2 giờ sáng họ vẫn tất bật chạy lên. Nếu không có họ có lẽ mẹ em đã khó qua khỏi. Sau đó, khi bà ngoại trở nặng cũng nhờ các bác sĩ liên lạc, kết nối ở nhiều nơi bà mới được chuyển lên tuyến trên ở một bệnh viện khác. Cách đây vài ngày bà đã khỏi bệnh và được về nhà. Cả gia đình em vì thế mang ơn các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây rất nhiều”, Trường chia sẻ.
Cũng trong thời gian điều trị và chăm sóc mẹ ở bệnh viện dã chiến, thấy hết được sự vất vả của các bác sĩ khi mỗi khu hàng trăm bệnh nhân nhưng chỉ có 2 bác sĩ và 2 - 3 nhân viên y tế. Họ tất bật chạy hết phòng này sang phòng khác, bất kể ngày đêm nên bản thân Trường và Sơn đều rất đồng cảm, xót xa. Do vậy, trong lúc chăm mẹ, hai chàng trai trẻ cũng nhiệt tình hỗ trợ các bệnh nhân khác trong phòng.
Thấy hai anh em nhiệt tình, nên nhân viên y tế hướng dẫn một số kỹ thuật đơn giản trong hỗ trợ người bệnh. Dần dần cả hai đều quen việc và ngay khi nhận kết quả âm tính trở lại cả hai quyết định dấu mẹ đăng ký làm tình nguyện viên cho bệnh viện.
“Mẹ trải qua cuộc thập tử nhất sinh vì Covid-19 nên mẹ rất sợ, do vậy khi đăng ký cả hai anh em không dám nói với mẹ, chỉ nói rằng tụi con vẫn còn bệnh nên ở lại. Nhưng tới ngày cả gia đình được nhận giấy xuất viện thì không dấu mẹ được nữa nên đành phải nói thật, lúc đó mẹ khóc nhiều lắm và bắt hai anh em phải về nhà. Cả hai phải dành một đêm nằm tỉ tê, nhờ thêm các bác sĩ nói giúp để mẹ hiểu. May mắn được ba ủng hộ, nói vào nên sau đó mẹ cũng xuôi dần. Chiều hôm sau, khi một mình xách về nhà cả hai chỉ dám đứng xa tiễn mẹ. Thấy mẹ lủi thủi một mình cũng thương lắm nhưng hiểu được ý nghĩa của công việc mình đang làm nên hai anh em quyết tâm ở lại”, Quang Trường chia sẻ.
Còn trẻ, chưa từng trải sự đời nhưng hai chàng trai ấy cứ vậy làm hết mọi việc, không nề hà bất cứ việc gì có thể khi người bệnh cần từ giúp dọn vệ sinh, đút cháo, lấy nước, thay bình oxy, theo dõi tình trạng của mỗi người…
Sơn sau đó còn nhận chăm sóc trẻ em, hiện cậu còn phụ trách một bé 11 tuổi mắc chứng tự kỷ. Chàng trai trẻ phải đóng nhiều vai, làm nhiều việc nhưng Trường cho biết chưa bao giờ hối hận khi đăng ký ở lại bệnh viện.

Quang Trường và Quang Sơn và các y, bác sĩ ở khu A1. Gần một tháng làm tình nguyện viên, cả hai luôn tất bật mỗi ngày để hỗ trợ người bệnh

NVCC

Mình chăm được mẹ không lẽ không chăm được người ta

Còn Quang Sơn thì cho biết khi đăng ký tình nguyện viên cậu không có suy nghĩ nhiều, thấy bệnh viện đông bệnh nhân trong khi số lượng bác sĩ, y tế ít lại không có nhiều tình nguyện viên nên lực lượng y tế rất vất vả.
Quang Sơn hiện đang là sinh viên năm 2 ngành truyền thông của Trường ĐH Văn hoá TP.HCM. Ngày Sơn đăng ký tình nguyện viên cũng là ngày cậu nhận được lịch học trực tuyến của trường gửi.
Đặc biệt, vào ban đêm bệnh nhân hay xuất hiện các triệu chứng như ho, khó thở, phải canh oxy… Trong khi khu vực lưu trú của bác sĩ khá xa, thấy cảnh họ rất vất vả chạy đi chạy về trong khi đã phải chăm lo cho bệnh nhân cả ngày. Đắn đo, nhưng thấy thiếu người, cậu cũng thấy mình cần góp một tay.
“Trước giờ ở nhà với ba mẹ em cũng ít khi làm việc nặng nên em không nghĩ mình lại chịu khó được như vậy. Khi nhận hỗ trợ bệnh nhân là một cụ già trở nặng đêm ngủ em phải đặt báo thức, cứ cách nhau 2 giờ đồng một lần báo thức để xem bà cụ thế nào. Nếu bệnh nhân trở mình nằm ngửa lại phải nhắc nhở họ nằm sấp lại theo hướng dẫn bác sĩ, rồi bình oxy hết lại đi thay. Suốt thời gian cụ ở đây là đêm nào em cũng ngủ chập chờn như vậy nhưng vẫn thấy công việc mình rất ý nghĩa vì hỗ trợ được lực lượng y tế phần nhỏ nào đó”, Quang Sơn chia sẻ.
Chăm người già và người bệnh nặng thì rất cực, họ phải tự vệ sinh tại chỗ, ăn uống cũng rất khó khăn. Là con trai, Quang Sơn cho biết thời gian đầu cậu cũng rất ngại những công việc này.
“Nhưng trước đó khi mẹ trở nặng nằm một chỗ mình chăm được mẹ mình giờ không lẽ chẳng chăm được người ta. Em nghĩ vậy rồi cứ cặm cụi làm thôi, riết rồi cũng quen”, Sơn tâm sự.
Hết bệnh nhân này, lại có bệnh nhân khác, công việc của Sơn cứ vậy đều đặn mỗi ngày gần một tháng nay. Lúc đầu còn luống cuống nhưng bây giờ hai anh em đều thoăn thoắt mọi việc từ đo SPO2, nhiệt độ, hỗ trợ bệnh nhân, canh bình oxy, theo dõi tình trạng sức khoẻ để kịp báo bác sĩ… Có những đêm, 1-2 giờ sáng Sơn mới về tới chỗ nghỉ. Đặc biệt, khi có những ca trở nặng thì cả lực lượng y tế, tình nguyện viên đều rất vất vả.
Cứ vậy, mỗi ngày của Sơn, Trường bắt đầu từ khoảng 7 giờ sáng, hai anh em chạy một vòng các phòng bệnh để đo huyết áp, SPO2, đo đường cho những bệnh nhân có bệnh nền… Trường hợp nào cấp thiết, sẽ báo ngay cho bác sĩ còn lại cậu làm thành bảng thống kê cụ thể của từng người để bộ phận y tế theo dõi.
Điều đặc biệt, từ ngày 23.8 Sơn đã bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến đây cũng là giai đoạn khu A tiếp nhận nhiều bệnh nhân, trong đó có nhiều người nặng. Làm không hết việc, Sơn nhiều lần phải nhờ bạn bè quay video, ghi âm lại bài học. Những lúc tận dụng được thời gian Sơn mới ngồi nghe lại bài học của mình. May mắn, hiểu được hoàn cảnh của Sơn nên thầy cô, bạn bè cũng rất ủng hộ và nhiệt tình hỗ trợ.
Vất vả, nhưng mỗi ngày cứ khoảng 4 giờ chiều nhìn những người bệnh mình từng chăm đã bình phục, được xuất viện mình vui lắm. Nhìn cảnh họ khấp khởi thu dọn đồ đạc để về nhà với gia đình anh em mình lại có thêm động lực để tiếp tục”, Sơn nói và cho biết sẽ tiếp tục tình nguyện viên ở đây và cậu mong, một ngày nào đó khi thành phố kiểm soát được dịch, bệnh viện dã chiến giải tán để hai anh em được về nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.