'Hét giá' ấn đền Bảo Lộc, bói toán bủa vây đền Sái

21/02/2024 07:00 GMT+7

Du khách phải trả tiền theo kiểu "hét giá" mới được nhận lá ấn đền Bảo Lộc (Nam Định). Ở Hà Nội, bói toán bủa vây di tích quốc gia đền Sái.

Lại loạn ấn, loạn bói toán

Sau nhiều năm yên ả, năm nay, đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, H.Mỹ Lộc, Nam Định) lại trở thành điểm nóng khi người dân bị "hét giá" để sở hữu lá ấn của đền này. Du khách xin ấn đã phải chấp nhận đề nghị của 3 vị thủ nhang tại đền khi xin ấn với mức giá 50.000 - 250.000 đồng. Việc rao bán ấn được công khai từ cửa đền đến cung cấm. Hàng trăm người xếp hàng trước cung cấm để được tự tay đóng ấn. Họ phải xếp hàng chờ tự đóng ấn, hoàn toàn không được "tự nguyện" góp giọt dầu mà phải theo giá được công khai để sở hữu một bộ ấn và bùa hộ mệnh.

'Hét giá' ấn đền Bảo Lộc, bói toán bủa vây đền Sái- Ảnh 1.

Cung cấm đền Bảo Lộc

CÙ HIỀN

Điều đáng nói, đền Bảo Lộc trước cũng đã từng có lùm xùm về việc đóng ấn. Hồi 2013, đền này có ô cửa đen bóng trổ khá hẹp ở cung cấm. Người hành hương được yêu cầu chui qua ô cửa này, bò qua gầm bàn thờ dưới sự hướng dẫn của người nhà đền. Họ giải thích đó là: "Muốn làm quan phải biết vào luồn ra cúi".

Trong khi đó, tại di tích quốc gia đền Sái (xã Thụy Lâm, H.Đông Anh, Hà Nội), hàng chục thầy bói đã trải chiếu để hành nghề bói toán với nhiều dạng thức bói khác nhau như xem bài, xem tướng, xem chỉ tay, bốc quẻ, giải quẻ. Thậm chí, họ còn đeo thẻ trên đó có ghi nội dung "Thẻ nhân viên", "Ban tổ chức" để tạo lòng tin với người dân, du khách. Họ mời chào công khai, bói toán theo giá tùy tâm.

Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh việc mua bán ấn tại đền Bảo Lộc

Một người phụ nữ sau khi giải quẻ bói rút được trong đền Sái cho biết quẻ bói rất tốt. Theo đó, năm nay người này sẽ khỏe mạnh, sức khỏe trời cho; làm ăn toại nguyện trong tâm, làm việc gì cũng được, bất kể điều gì; mồ mả yên; tình duyên đẹp như ý… Quẻ chỉ báo điềm xấu một chút về ốm đau, đây là điều khó ai tránh được trong một năm.

'Hét giá' ấn đền Bảo Lộc, bói toán bủa vây đền Sái- Ảnh 2.

Thầy bói đeo thẻ có ghi “Ban tổ chức”

Đinh Huy

Thầy bói này cũng "tiên đoán" PV Thanh Niên sẽ lấy vợ trong năm 2024, trong khi phóng viên đã lập gia đình từ năm ngoái. Thầy cũng sử dụng những câu trả lời chung chung như "cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an, cầu gì được nấy". Thậm chí về vấn đề cụ thể như bao giờ lấy vợ, sinh con, mua nhà, thầy bói đều trả lời chung chung như "sau năm 30 tuổi", "trước 50 tuổi sẽ gặp hạn về sức khỏe" hay "sau này sẽ giàu".

Đáng nói nhất, những thầy bói này đều khẳng định đã được học từ những thầy nho trong làng hoặc trong sách vở và quan trọng nhất họ được "ban tổ chức cho phép nên mới được hành nghề trong đền Sái".

Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Sái, khẳng định các hoạt động xem bói trong đền Sái là không được phép, chính quyền sẽ cho người xuống kiểm tra và xử lý. Về những thẻ "Ban tổ chức" mà các thầy bói này đeo, ông Thu cho biết ban tổ chức không phát loại thẻ này, những người đeo thẻ của ban tổ chức đều là giả.

Sở, Bộ gửi nhắc nhở vẫn vi phạm

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Nam Định, cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo địa phương hết văn bản này đến văn bản kia, đi kiểm tra nhiều lần nhưng vẫn có sơ suất. Ngay hôm 19.2 thanh tra Sở đã cử người xuống tận nơi để lập biên bản. Sở cũng yêu cầu nhà đền phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Ngày 20.2, đoàn làm việc với chủ tịch huyện. Tổng lực như vậy chắc sẽ không xảy ra chuyện đáng tiếc như báo chí phản ánh nữa".

'Hét giá' ấn đền Bảo Lộc, bói toán bủa vây đền Sái- Ảnh 3.

Rộn rịp xem bói tại di tích đền Sái

ĐINH HUY

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết sẽ tư vấn cho nhà đền về việc phát ấn. "Thông thường cứ để người ta tùy tâm. Cũng chỉ cần canh để người ta không ôm cả một xấp ấn ra ngoài thôi. Trong những ngày này cần xây dựng các phương án ngay, chứ không phải là cấm phát ấn. Còn với ấn, nếu phát giá là phải tội", ông Dũng nói. Cũng theo ông Dũng, có thể có một số đối tượng "ăn theo" để phát giá ấn, điều này sẽ được địa phương lưu ý. Ông Dũng còn cho biết cán bộ của Sở VH-TT-DL Nam Định sẽ có mặt tại di tích đền Bảo Lộc liên tục trong suốt mùa hội để có thể giám sát hoạt động tại đây.

PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), sau khi xem hình ảnh PV cung cấp về hiện tượng bói toán trong di tích, cho biết những hoạt động như vậy là sai phạm. Bà Hiền cũng cho biết sẽ cho cán bộ của Cục phụ trách di tích kiểm tra lại hiện tượng này.

Xem nhanh 12h ngày 21.2: Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh việc mua bán ấn tại đền Bảo Lộc

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), từ trước Tết Nguyên đán, Bộ đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Trong đó, yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, Sở phụ trách văn hóa tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội theo phân cấp về thẩm quyền. Với các hiện tượng như phát giá ấn, xem bói tại di tích, Cục đã thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về lễ hội tại địa phương các nội dung theo phản ánh của cơ quan báo chí. "Các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý lễ hội sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định", bà Hương cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.