Hết giải cứu ngược, lại giải cứu xuôi

20/07/2020 04:27 GMT+7

Chỉ trong vòng mấy năm, cả xã hội đã phải hai lần “giải cứu”, hết ngược lại xuôi khi giá thịt lợn đã biến động cực đoan.

Ban đầu là cứu người nuôi vì giá xuống, đến khi giá lên thì lại lên chót vót, lúc này cần cứu lại là người tiêu dùng.
Lần trước, khi giá thịt lợn hơi xuống thấp, có thời gian chỉ còn trên 20.000 đến dưới 30.000 đồng/kg, xuống dưới giá thành sản xuất, khiến nhiều hộ gia đình, trang trại nhỏ bị phá đàn, không chỉ lợn thịt, mà cả lợn giống. Hưởng ứng sự vận động của nhà nước, của một số tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân đã tăng mua thịt lợn để ủng hộ. Một số người ở thành phố về quê mua thịt lợn giúp bà con ở nông thôn. Sau mấy tháng, giá thịt lợn đã cao dần lên, giúp cho đàn lợn của cả nước tăng lên (đàn lợn năm 2016 có gần 29,1 triệu con, năm 2017 chỉ còn 27,4 triệu con, đến 2018 tăng trở lại đạt gần 28,2 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2017 đạt 3,73 triệu tấn, năm 2018 lên 3,82 triệu tấn).
Lần thứ hai, do dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2.2019, tổng số lợn phải tiêu hủy gần 6 triệu con, tương đương với trọng lượng 340.800 tấn, tổng đàn lợn giảm 25,5% (còn 21,26 triệu con). Trung Quốc còn bị sớm hơn, thiệt hại nặng hơn, nên nhiều lúc giá cao hơn nhiều ở Việt Nam - đã làm cho giá thịt lợn ở Việt Nam tăng “phi mã”, đã có thời gian đạt trên 100.000 đồng/kg thịt hơi. Ngoài các nguyên nhân trên đối với tổng số đàn lợn, còn có một nguyên nhân rất quan trọng là đàn lợn giống đã bị hao hụt nặng do phá đàn trong đợt giá thịt xuống thấp trước đó; chưa kịp tăng trở lại, thì lại bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành, làm cho người nuôi lợn giống “sợ” không dám gây và mở rộng trở lại. Nhà nước đã có chủ trương cho nhập khẩu thịt đông lạnh từ Nga, lợn sống ở Thái Lan, gần đây là thịt lợn đông lạnh từ Nhật Bản, đã góp phần kéo giảm giá thịt lợn hơi ở trong nước xuống nhưng hiện giá vẫn ở mức cao, khoảng 90.000 đồng/kg.
Vì thế, có một số vấn đề đặt ra đối với giá thịt lợn. Thứ nhất, tác động của giá thịt lợn. Do giá thịt lợn tăng cao đã làm cho giá thực phẩm (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong “rổ” hàng hóa) tăng cao, cao hơn tốc độ tăng CPI chung. Thứ hai, tác động tình trạng đầu tư theo phong trào. Khi được giá, nhiều tổ chức kinh tế và cá nhân lao vào đầu tư cho “cung” vượt “cầu”, làm cho giá thịt lợn bị giảm mạnh. Đáng lý, khi giá giảm mạnh thì cần đầu tư vào đàn nái, đực giống, đàn lợn con để đón lõng giá thịt lợn sẽ phục hồi sau đó 1 năm sẽ có lãi. Đến khi gặp dịch, một mặt cần diệt dịch chung cho tổng đàn, tập trung ưu tiên cho đàn nái, đực giống để tái đàn nhưng đến khi nhận ra thì giá giống đã cực cao (lên tới 3 triệu đồng/con giống). Các cơ sở nhập khẩu lúc đầu chỉ tập trung vào nhập thịt lợn đông lạnh mà phần đông người Việt Nam không ăn quen; sau đó nhập lợn sống thì khó khăn, tốn kém chi phí, rồi còn phải cách ly... Thứ ba, khi kinh tế thị trường với “bàn tay vô hình” còn có khiếm khuyết trong việc khắc phục, thì “bàn hay hữu hình” cũng lúng túng trong việc điều hành, kéo dài trong nhiều tháng. Trong khi đó, một số cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, cơ sở giết mổ tập trung vẫn giữ giá rất cao, thu lãi lớn...
Cần chú ý vấn đề này để cân đối, điều tiết, nếu không khi giá giảm lại phải “giải cứu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.