Hết giãn cách, show trực tuyến vẫn tiếp diễn

28/05/2020 06:30 GMT+7

Cuộc sống đã trở lại trong trạng thái “bình thường mới”, song nhiều dự án âm nhạc vẫn tiếp tục diễn ra với hình thức trực tuyến.

Sau hơn 2 năm thực hiện dự án Trịnh Contemporary, với 3 MV đã được giới thiệu: Diễm xưa, Mưa hồng, Biển nhớ, tối nay 28.5, rapper Hà Lê tiếp tục ra mắt album Ở trọ, đặc biệt anh chọn hình thức họp báo trực tuyến để công bố cũng như biểu diễn giao lưu cùng báo giới, khán giả (trên fanpage của Hà Lê và nhà sản xuất từ 20 giờ 30). Chương trình gồm 3 phần: giới thiệu album, biểu diễn và hỏi đáp, trò chuyện.
Cuối tuần qua, Phòng trà online số 1 - chương trình âm nhạc trực tuyến với sự tham gia biểu diễn chính của 5 nhạc sĩ “thế hệ Làn sóng xanh”: Minh Nhiên, Hoài An, Quốc An, Võ Hoài Phúc, Tuấn Thăng cùng các ca sĩ khách mời đã mang đến sự thành công ngoài mong đợi cho ê kíp thực hiện. “Đầu tiên là sự đón nhận của khán giả dành cho 5 nhạc sĩ khi phản hồi trực tiếp trên video của chương trình. Thứ hai, vì không dùng các công cụ để chạy quảng cáo nên con số 84.000 lượt xem, 220.000 lượt tương tác, 1.600 tương tác trực tiếp, 500 lượt share là con số nằm ngoài dự kiến. Tuy nhiên công tâm mà nói, sự xuất hiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong vai trò khách mời đã tạo được sự lan tỏa và thu hút lượng lớn khán giả”, anh Vân Trình, người sáng tạo kiêm đạo diễn chương trình chia sẻ. Anh cho biết ê kíp sẽ tiếp tục thử nghiệm chủ đề mới, nghệ sĩ mới, không gian mới trong số thứ 2 (dự kiến cuối tháng 6) để tiếp cận, mở rộng thêm đối tượng khán giả.
Với Monsoon Music Festival From Home (MMF From Home), các buổi biểu diễn trực tuyến không chỉ thực hiện trong thời gian giãn cách của đại dịch mà còn được sản xuất nối tiếp thành một chuỗi chương trình âm nhạc trực tuyến trong thời gian tới. Hay với Chi Pu’s Greatest Show của diễn viên, ca sĩ Chi Pu (mỗi tháng 1 số), dù ra mắt khi đã hết giãn cách (16.5), song ê kíp của cô đã chọn hình thức trực tuyến, phát trực tiếp trên fanpage của Chi Pu và kênh YouTube của cô…
Theo một số nhà sản xuất chương trình âm nhạc, đại dịch vừa qua là một thách thức lớn đối với ngành tổ chức biểu diễn. Đến nay, tuy đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, các hoạt động văn hóa giải trí vẫn chưa thể diễn ra bình thường như trước. Dù vậy, giới tổ chức lẫn không ít nghệ sĩ đều nhìn nhận, đây cũng thời điểm để “khảo sát” nhằm xây dựng các chương trình, sản phẩm văn hóa giải trí phù hợp với xu hướng thưởng thức của khán giả. Ví như Phòng trà online, ban đầu được làm ra để phục vụ khán giả trong đợt dịch Covid-19, nhưng sau đó, ê kíp thực hiện đã suy nghĩ mô hình hoạt động lâu dài - sẽ là một sân khấu ca nhạc trực tuyến khai thác các nhân vật âm nhạc, chủ đề và trình diễn mới, khác biệt nhằm mang đến không gian âm nhạc thú vị cho khán giả. Không chỉ vậy, dần dà, chương trình sẽ kinh doanh độc quyền, khán giả có trả phí thông qua thanh toán trực tuyến mới xem được, cũng như sẽ mở rộng mô hình với hình thức bán vé có giới hạn cho những ai muốn xem trực tiếp tại điểm diễn bởi theo ê kíp sản xuất, điều này không nằm ngoài xu hướng chung của ngành biểu diễn thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.