Hết hồn khi chi phí sinh hoạt ở nhà mùa dịch tăng chóng mặt

14/08/2021 13:06 GMT+7

Tình hình dịch Covid-19 càng diễn biến phức tạp, việc ở nhà thực hiện giãn cách thời gian dài ảnh hưởng đến nguồn thu nhập nhưng chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt khiến nhiều gia đình trẻ phải đau đầu nan giải.

“Ở nhà suốt, tiền điện tăng gấp đôi, dùng gas nấu ăn nhiều mà giá gas mùa này cũng lên giá nữa. Tiền shipper thì thôi khỏi nói, mua một bó rau vài chục ngàn mà tiền giao có khi hơn cả tiền rau. Không đi làm thu nhập bị giảm sút mà tiền phòng trọ mỗi tháng phải đóng đều đều. Chỉ mong dịch nhanh được kiểm soát, để cuộc sống được trở lại bình thường, chứ mỗi ngày cứ ru rú trong nhà mà vừa lo dịch bệnh không biết bao giờ gọi đến tên mình, rồi lại phải lo thêm tiền đâu sống cho qua mùa dịch khi vật giá mọi thứ đều leo thang”, Trịnh Thị Hoài Thương, (28 tuổi, ngụ tại hẻm 96 Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM) kể về nỗi lo ở nhà thu nhập giảm sút mà chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt.

Đi chợ thì sợ lây nhiễm, đặt đồ lại sầu với tiền giao hàng

Chị Phan Ngọc Hồng Châu (35 tuổi, sống tại hẻm 818 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết đến thời điểm hiện tại chị đã làm việc tại nhà gần 2 tháng rưỡi. Khi mà mọi thành viên trong gia đình đều ở nhà 24/24 thì đi kèm với đó là phát sinh chi phí điện nước đều gia tăng thấy hết hồn.
“Nhà mình tổng cộng 4 người lớn và 2 trẻ con, chỉ tiền điện thôi cũng hơn triệu rồi. Máy điều hoà rồi cả bếp núc cũng dùng nhiều hơn, ngày nấu ăn 3 bữa mà. Chưa kể, khi Chỉ thị 16 áp dụng cho toàn thành phố, việc đi lại hạn chế, hầu hết mình đều cố gắng đặt mua hàng trực tuyến giao tận nhà. Mà thời buổi nay đặt shipper khó lắm luôn. Rồi thực phẩm, nhiều mặt hàng tăng giá cũng chóng mặt lắm luôn. Mình nhớ có đợt trứng lên đến 45.000 - 50.000 đồng/vĩ… Nói chung trung bình là chi phí sinh hoạt của gia đình mình trong mùa dịch tăng gấp đôi”, chị Châu chia sẻ.

Ở nhà, mặc dù chi phí sinh hoạt đều tăng lên rất nhiều nhưng chị Châu vẫn cố giữ tinh thần lạc quan, cùng gia đình tập thể dục và ăn uống điều độ mỗi ngày để giữ sức khoẻ vượt qua dịch Covid-19

 
Rồi chị Châu kể: “Mình có bà chị không dám ra đường vì sức khỏe cũng yếu từ trước rồi, toàn mua đồ trực tuyến. Nên chị mình toàn than nội tiền ship thôi cũng muốn đau đầu. Nhất là mấy mặt hàng tươi như bún tươi, bánh gói há cảo, thịt cá, tôm.... đều tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Các siêu thị có dịch vụ giao hàng trực tuyến nhưng thực tế thì quá tải. Đặt hàng phải hơn tuần mới nhận được, nên chị mình đành đặt bên ngoài. Giá cao cộng thêm tiền ship cũng cao nữa. Nhưng tội nhất là mấy hộ phải thuê trọ, gánh nặng càng thêm gánh nặng vì chi phí mọi thứ tăng, thu nhập giảm hoặc không có mà tháng nào cũng phải đóng tiền nhà”.
Đang phải gồng gánh tiền trọ mỗi tháng, cộng thêm chi phí sinh hoạt mọi thứ đều tăng nên Thương cho biết chỉ mong cho dịch nhanh được kiểm soát.
“Bình thường đi làm có thu nhập thì đóng tiền trọ mỗi tháng thấy cũng nhẹ nhàng, giờ ở nhà suốt, thu nhập bị ảnh hưởng nên cứ đến tháng đóng tiền là lại lo. Khổ nhất là mùa dịch đi chợ thì sợ lây nhiễm mà ở nhà đặt hàng trực tuyến thì sầu với phí giao hàng. Hôm trước đặt mua rau, mà giao từ quận 2 qua nên phí giao đến 121.000 đồng. Thấy phí đắt quá nên mình đặt thêm các loại khác cho đỡ tiếc tiền giao hàng, mà đặt nhiều thì lại tốn thêm tiền, nói chung là hạn chế ra đường nên đành chấp nhận”, Thương kể.

Chỉ có thu nhập là giảm còn mọi thứ đều tăng chóng mặt

Cùng chung nỗi lo vì chi phí sinh hoạt tăng mạnh mùa dịch, chị Trần Kim Tuyến (ngụ tại Chợ Bà Điểm, huyện Hóc Môn) chia sẻ: “Tiền điện nhà mình tăng gấp đôi, tiền gas mùa này cũng tăng. Shipper thì mỗi lần mình đặt khoảng tầm 40 - 70.000 đồng/ lượt, tuỳ khoảng cách. Điều mình lo nhất là giá thực phẩm tăng nhiều, như trước đây mình mua rau chỉ 15.000 - 20.000 đồng/kg, còn giờ thì lên 50.000 đồng/kg. Thịt cá cũng lên từ 150.000 - 250.000 đồng/kg. Nói chung cái gì cũng tăng nên người dân khó khăn vô cùng”.

Tiền phí giao hàng mỗi lần đặt đồ trực tuyến là nỗi lo lắng của nhiều người trong mùa dịch

 
Chị Tuyến kể thêm: “Gần nhà mình có dãy trọ toàn công nhân, họ bị mất việc, thấy họ than mình cũng tội mà không giúp được gì. Nhà mình mùa này cũng ảnh hưởng nhưng may còn được nhận lương, còn công nhân thì đợi gói hỗ trợ gì đó mà đợi mãi không thấy đâu, họ kêu trời quá chừng luôn. Chỉ mong dịch mau qua, vật giá thì đừng tăng thêm nữa vì dân đã khổ quá rồi”.
Trần Thị Minh Hằng (30 tuổi, ngụ tại Chung cư Fresca Riverside, P. Bình Chiểu, TP. Thủ Đức) cũng không tránh khỏi được những khó khăn vì phải đóng tiền ngân hàng hằng tháng mà thu nhập của cả 2 vợ chồng đều giảm rất nhiều trong dịch.
Hằng than rằng: “Mùa dịch này làm thì không ra mà mọi chi phí sinh hoạt, tiền ăn uống, tiền điện nước, lãi ngân hàng đến tháng vẫn phải đóng đều đặn. Chồng tôi thất nghiệp từ tháng 6 đến nay, công ty hỗ trợ được 50% lương cơ bản. Tôi chủ yếu làm trực tuyến nên thu nhập giảm sút. Từ tháng 5 đến nay, tiền sinh hoạt phí của gia đình tăng lên rất nhiều. Nói chung chỉ có thu nhập là giảm còn mọi thứ thì tăng muốn chóng mặt”.

Mỗi lần đi siêu thị mua đồ, khi tính tiền Hằng cho biết hoá đơn tăng gấp 2-3 lần ngày thường do số lượng mua nhiều để hạn chế phải đi chợ nhiều lần trong mùa dịch

 
“Mỗi đợt thành phố thông báo thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 là tôi lại lật đật đi mua đồ ăn, thực phẩm. Một phần muốn hạn chế ra ngoài, một phần mua về để ăn nguyên tuần đỡ phải đi lại nhiều lần. Mà mỗi lần mua là hóa đơn cao gấp 2-3 lần ngày bình thường. Tâm lý chung mà, mua trước chứ sợ dịch không mua được. Mà thực sự là vậy, thời điểm này, đi chợ rất khó khăn, hàng hóa thì có nhưng đi qua chốt, chờ đợi, xếp hàng, đi theo phiếu… Hầu như gia đình nào đã đi siêu thị là mua luôn một lần số lượng lớn, kéo theo là chi tiêu nhiều. Trước dịch, tiền điện nhà tôi khoảng 400.000 đồng/tháng. Tháng 6 tăng lên gấp đôi, hóa đơn gần 800.000 đồng/tháng. Tiền điện tháng 7 thì đợi qua giữa tháng 8 mới có hóa đơn, tôi có nghe nói điện lực sẽ giảm nhưng chưa biết cụ thể thế nào. Chứ thu nhập cứ giảm đều mà chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt thế này thì thật sự rất đau đầu và nan giải lắm luôn”, Hằng bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.