Ngày 26.3, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đã tiếp nhận điều trị và cứu sống một nữ bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Khan hiếm huyết thanh điều trị do dịch Covid-19
Theo đó, ngày 20.3, bệnh nhân Hà Thị T. (34 tuổi, ngụ Đắk Nông) bị rắn hổ mang chúa cắn vào lưng. Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Đắk Nông để sơ cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Lúc đến Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đã bị liệt hoàn toàn, suy hô hấp và rối loạn nhịp tim rất nặng. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy sơ cứu, đặt nội khí quản, sử dụng các loại dịch truyền, thuốc vận mạch và máy tạo nhịp. Các tổn thương cơ do nọc rắn cũng khiến bệnh nhân bị suy thận cấp tiến triển, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim… nên nguy cơ tử vong rất cao.
Sau khi áp dụng các phương tiện kỹ thuật xử lý cấp cứu cho bệnh nhân, các bác sĩ đã kiểm soát được nhịp tim, huyết áp của bệnh nhân.
Tuy nhiên, bệnh nhân nhập viện ngay trong thời điểm Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa.
Theo TS-BS Hùng, huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang chúa là loại huyết thanh rất khó sản xuất và hiện tại phải nhập từ các nhà cung cấp ở Thái Lan. Hằng năm, Bệnh viện Chợ Rẫy đều nhập huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang chúa về để sử dụng và cũng đã nhiều lần chuyển huyết thanh đến các bệnh viện khác khi nhận được yêu cầu hỗ trợ. Nhưng từ năm 2020, do diễn biến của dịch Covid-19 nên vấn đề nhập huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa về Việt Nam gặp nhiều khó khăn (đơn vị sản xuất huyết thanh hiện tại cũng ngưng sản xuất vì ảnh hưởng của dịch Covid-19). Hiện tại, số lượng huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa để sử dụng tại phía nam gần như đã cạn kiệt.
Do vậy, trong 24 giờ đầu tiên kể từ khi bệnh nhân T. nhập viện, bệnh nhân chưa thể sử dụng huyết thanh. Tất cả các phương tiện hỗ trợ để điều trị cho bệnh nhân đã được bệnh viện tập trung huy động hết sức nhằm duy trì sự sống cho bệnh nhân”.
Dù bệnh nhân nhập viện ngày cuối tuần nhưng lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã nỗ lực tối đa liên hệ đến rất nhiều bệnh viện khác trong khu vực nhằm tìm huyết thanh. Cuối cùng Bệnh viện Chợ Rẫy đã có được nguồn huyết thanh từ Bệnh viện Nhi đồng 1 chuyển sang để sử dụng cho bệnh nhân. Vì vậy, ngày thứ hai sau khi nhập viện, bệnh nhân đã được sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa, giúp thúc đẩy tính hiệu quả của các phương pháp điều trị hỗ trợ.
Đến ngày thứ ba, bệnh nhân đã có thể vận động cơ, tỉnh táo tiếp xúc được. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải thở máy, đặt máy tạo nhịp tim và lọc máu liên tục.
Sang ngày thứ tư, bệnh nhân có những biến chuyển rất tốt và đến ngày thứ năm, 24.3, bệnh nhân đã tự thở, tỉnh táo, tiếp xúc được. Nhờ được can thiệp sớm bằng những biện pháp mới, tình trạng nhiễm trùng ở vị trí rắn cắn của bệnh nhân cũng không lan rộng.
Áp dụng phương pháp điều trị mới
Theo TS-BS Hùng, từ năm 2020, Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ mới đối với các trường hợp bị rắn hổ mang chúa cắn bằng các phương tiện hỗ trợ nhịp tim từ bên ngoài, lọc máu liên tục để loại trừ độc chất… và đã cứu sống được 3 trường hợp bệnh nhân bị loại rắn này cắn phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
“Đây cũng là những trường hợp chúng tôi áp dụng các biện pháp điều trị mới, chưa được đưa vào trong các hướng dẫn điều trị của các tổ chức quốc tế. Cuối năm 2020, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổng kết những trường hợp này và gửi Tổ chức Y tế thế giới, cũng như gửi đăng tải trên các tạp chí về điều trị ngộ độc trên thế giới. Vì thế, việc điều trị thành công cho nữ bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn này có thể được xem là một trong những thành công mới của Bệnh viện Chợ Rẫy trong năm 2021, khi Ban lãnh đạo cùng đội ngũ y bác sĩ bệnh viện đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, trở ngại rất lớn do dịch Covid-19 gây ra để cứu chữa cho những ca bệnh nặng”, TS-BS Hùng chia sẻ.
TS-BS Lê Quốc Hùng khuyến cáo mọi người không nên tự ý bắt rắn, bởi hầu hết các trường hợp bị rắn cắn, trong đó có rắn hổ mang chúa, đều bị biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó là chi phí điều trị khá cao.
|
Bình luận (0)