79 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19.8.1945 - 19.8.2024)

Hết lòng vì dân: Cứu người trong tâm lũ quét

15/08/2024 06:11 GMT+7

Bất chấp hiểm nguy, các chiến sĩ Công an nhân dân đầm mình hàng giờ trong lòng hồ đầy rác, cành cây để tìm kiếm người bị nạn trong cơn bão số 2 vừa qua.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi còn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an từng chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân (CAND) phải tập trung xây dựng thế trận lòng dân vững chắc về an ninh, trật tự, phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền an ninh nhân dân, trong đó phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an xã trong bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở theo phương châm "trọng dân, gần dân, lúc dân cần, lúc dân khó, có công an".

Ảnh 8.jpg

Lực lượng cứu nạn nối tay nhau đứng vững dưới dòng lũ, đưa một cụ già đến nơi an toàn

V.T

Học và làm theo chỉ đạo này, thời gian qua, lực lượng CAND luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao từ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho đến việc phục vụ, giúp đỡ nhân dân.

HỎA TỐC CỨU MƯỜNG PỒN

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, nhiều tỉnh phía bắc xảy ra mưa lớn, sạt lở, lũ quét gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tại tỉnh Điện Biên, mưa lũ, sạt lở đã san phẳng nhiều bản làng, quét sạch nhiều nương lúa và cướp đi sinh mạng 9 người dân…

2 giờ ngày 25.7, tiếng kẻng báo động vang liên hồi tại xã Mường Pồn (H.Điện Biên, Điện Biên) sau nhiều ngày mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Kẻng kêu, lũ ập xuống kèm theo đất đá sạt lở; người dân tháo chạy tạo ra cảnh hỗn loạn ở nhiều bản làng. Nhiều người chạy thoát, nhiều người còn mắc kẹt và cũng có nhiều người bị nước lũ cuốn trôi, hoặc bị đất đá vùi lấp.

Chưa thể quên những hình ảnh đau thương tại Mường Pồn, thượng tá Nguyễn Văn Thưởng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) Công an tỉnh Điện Biên, cho biết trận lũ quét và sạt lở gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến 4 bản của xã là Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, bản Lĩnh và bản Tin Tốc. Thời điểm đó, hàng triệu khối đất, đá ập xuống vùi lấp gần như hoàn toàn 4 bản này, có những khu vực bị đất đá vùi lấp cao đến 8 m.

Ảnh 7.jpg

Công an H.Mường Chà bơi giữa lòng hồ đầy rác và gỗ để tìm người bị nạn

V.T

Trước diễn biến này, Ban giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cấp tốc chỉ đạo Công an xã Mường Pồn dùng kẻng báo động cho nhân dân chạy lũ, đồng thời phối hợp tổ chức di chuyển các hộ dân đến khu vực an toàn. Cạnh đó, công an tỉnh huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng hỏa tốc về xã Mường Pồn trinh sát, tìm kiếm cứu hộ. Trong đêm, thượng tá Thưởng cùng trưởng phòng và gần 60 chiến sĩ của đơn vị chia thành 6 tổ công tác khẩn trương chuẩn bị hành trang cùng các lực lượng liên quan về ứng cứu Mường Pồn.

Thượng tá Thưởng cho hay do địa hình bị chia cắt, đoàn cứu nạn của PC07 phải bỏ xe lại trên QL12 và cõng hành lý vượt lũ vào bản. Đến nơi, ập vào mắt đoàn cứu nạn là khung cảnh tan hoang, toàn bộ hiện trường bị đất đá vùi lấp, nước lũ vẫn đang tràn về xối xả, còn người dân thì trong cảnh màn trời chiếu đất. Cạnh đó, nhiều người đang mắc kẹt trên mái nhà, phần lớn là người bị thương, người già. Các chiến sĩ đã triển khai tìm kiếm, cứu nạn người trong khu vực lũ; sơ tán nhân dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm; lập trạm y tế lưu động để sơ cấp cứu cho các nạn nhân; chốt chặn, phân luồng, hướng dẫn phương tiện di chuyển an toàn… Đến 5 giờ 15 ngày 25.7, lực lượng CNCH cứu được 7 người bị thương, mắc kẹt trong tình trạng hoảng loạn, sức khỏe yếu và phát hiện thi thể 2 mẹ con bị vùi lấp dưới bùn.

CỨU NHÂN DÂN THOÁT LŨ DỮ

Bão số 2 cũng khiến tỉnh Sơn La hứng chịu trận mưa lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. 7 người đã tử vong; 3 người mất tích; 5 người bị thương; gần 1.500 căn nhà bị thiệt hại và hàng ngàn héc ta hoa màu bị san phẳng. Con số thiệt hại có thể sẽ còn cao hơn nếu không có sự dũng cảm, tận tâm và nhanh nhạy của lực lượng CAND.

Ảnh 2.jpg

Lũ quét và sạt lở tàn phá xã Mường Pồn

V.T

Tham gia cứu 5 người dân chới với giữa dòng lũ, đại úy Lò Văn Chiến, Phó trưởng Công an xã Mường Bú (H.Mường La), kể lại đêm 23.7, nhận định tình hình mưa lũ sẽ diễn biến phức tạp nên anh cùng đồng đội trực 100% quân số ở đơn vị để chủ động ứng phó các tình huống, giúp đỡ nhân dân khi cần thiết. Chợp mắt được hơn 2 tiếng, khoảng 5 giờ sáng 24.7, nhận tin nước lũ cuồn cuộn đổ về, đại úy Chiến cùng đồng đội tức tốc đi kiểm tra và giúp nhân dân sơ tán.

Khoảng 8 giờ cùng ngày, đại úy Chiến nhận tin có 2 người dân đi bắt dế thì lũ tràn về, bị mắc kẹt giữa cánh đồng mênh mông nước. Sau khi tức tốc đến hiện trường, bằng sự nhanh nhạy nắm bắt tình hình, đại úy Chiến ném những chiếc can nhựa ra để 2 nạn nhân làm phao bơi vào gần bờ rồi cùng đồng đội đưa họ đến khu vực an toàn. Khoảng 30 phút sau, anh lại nhận tin còn một nhóm 3 người đi bắt dế cũng đang bị mắc kẹt. Thời điểm này, nước lũ đã dâng rất cao, chảy xiết, tổ công tác định bơi sang cứu nhưng không thể. Đại úy Chiến dùng loa trấn an tinh thần, động viên các nạn nhân cố gắng bám víu vào cây, đồng thời phối hợp với Chỉ huy trưởng xã Mường Bú đưa họ vào bờ an toàn.

"Nhóm 3 người mắc kẹt đã ngâm mình trong nước lũ hơn 3 tiếng đồng hồ, trong khi nước thì lạnh và chảy xiết, tính mạng bị đe dọa. Thời điểm đó, chúng tôi chỉ nghĩ làm sao dùng mọi cách để đưa người dân vào bờ", đại úy Chiến kể.

Ảnh 5.jpg

Lực lượng công an dùng cuốc, xẻng, thậm chí bới tay không để tìm nạn nhân mất tích

V.T

Ảnh 6.jpg

Bữa trưa vội để tiếp tục tìm kiếm người bị nạn

V.T

Cũng là một trong số nhiều tấm gương cứu giúp nhân dân, hạ sĩ Lò Văn Thanh, chiến sĩ nghĩa vụ CAND đang công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu, đã dũng cảm cứu 2 em nhỏ dưới lòng hồ thủy điện Bản Chát (xã Pha Mu, H.Than Uyên, Lai Châu). Thanh kể khoảng 16 giờ 30 ngày 26.7, trong lúc cắt cỏ ngoài ruộng phụ giúp mẹ dịp nghỉ phép thì nghe tiếng kêu cứu. Chạy lại gần hồ, Thanh thấy 2 em nhỏ đang chới với dưới nước liền nhảy xuống và kịp thời đưa cả hai lên bờ an toàn, rồi tiến hành sơ cứu.

Chiến sĩ trẻ mới tròn 20 tuổi khẳng định trong tình huống đó, bất kỳ ai đứng trong hàng ngũ CAND cũng sẽ làm như vậy, nếu do dự và sợ nguy hiểm thì tính mạng 2 em nhỏ sẽ bị đe dọa...

Những hành động dũng cảm, hết lòng vì nhân dân của các chiến sĩ CAND không chỉ được lãnh đạo Bộ Công an biểu dương, ghi nhận mà còn giúp nhân thêm niềm tin yêu của nhân dân đối với lực lượng...

(còn tiếp)

Trận lũ quét khiến hàng trăm gia đình ở xã Mường Pồn mất người thân, nhà cửa. Để người dân sớm ổn định cuộc sống và vơi đi đau thương, Công an tỉnh Điện Biên chỉ đạo lực lượng sớm giúp người dân xây dựng lại nhà ở; chung tay hỗ trợ gần 2 tỉ đồng, hơn 6 tấn gạo, gần 500 thùng mì tôm, nước sạch và nhu yếu phẩm thiết yếu; kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ, trao hàng tỉ đồng trợ giúp người dân bị thiệt hại.

Sẵn sàng đánh đổi tính mạng để tìm kiếm phép màu

Theo thượng tá Nguyễn Văn Thưởng, Phó trưởng PC07 Công an tỉnh Điện Biên, công tác tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn vì mưa lớn kéo dài nhiều ngày, lũ liên tục đổ về và nước chảy xiết, lượng bùn đất lên đến hàng triệu mét khối, nhiều nơi bị chia cắt...

Trực tiếp đầm mình dưới lòng hồ ken đặc thân cây và rác thải, đại úy Vũ Văn Việt, cán bộ Công an H.Mường Chà, nhớ lại lúc đó, nước đổ về ngày càng nhiều và mưa ngày một lớn hơn khiến việc bơi quanh hồ tìm người mất tích gặp rất nhiều rủi ro, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Trong 2 ngày 27 - 28.7, đội tìm kiếm của Công an H.Mường Chà đã tìm được 2 nạn nhân từ xã Mường Pồn trôi hơn 30 km tới địa phận xã Huổi Mí (H.Mường Chà). Dù tìm thấy thi thể nạn nhân là nhiệm vụ coi như đã hoàn thành, nhưng đại úy Việt cùng đồng đội ai nấy đều rất buồn, bởi trong thâm tâm mọi người đều mong có những phép màu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.