Trong hàng trăm, hàng ngàn họa sĩ, nghệ nhân, thợ chế tác sơn mài, số người có thể thực hiện tất cả các công đoạn từ kỹ thuật đánh vải, bó hom, cho đến khâu sáng tác, thể hiện, rồi sơn, mài... khá hiếm. Nghệ sĩ sơn mài Doãn Chí Trung và những học trò khuyết tật của anh nằm trong số đó.
Trui rèn trong gian khó
Bên xưởng chế tác sơn mài trong căn hẻm nhỏ phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội, nghệ sĩ Doãn Chí Trung mở đầu câu chuyện về nghề: “Thi đại học, trường lấy 22 điểm, tôi thiếu có mỗi... 20 điểm. Thế rồi lông bông, làm “cửu vạn” giúp ông anh (cũng làm nghề sơn mài) chuyển hàng đến các xưởng thời còn hợp tác xã. Một nghệ nhân chú ý và hỏi có muốn theo nghề sơn mài không, tôi gật đầu vì kỳ thực chẳng còn gì khả dĩ hơn để lựa chọn”.
Sản phẩm luôn khan dù giá cao gấp 5 - 10 lầnKhông ồn ào phô trương, ít nói về bản thân mình là những điểm chung của thầy trò nghệ sĩ Doãn Chí Trung. Tuy nhiên thực tế, những sản phẩm, tác phẩm sơn mài của các thầy trò như hộp trang trí, khay trà, đồ thủ công mỹ nghệ... đều không đủ phục vụ nhu cầu người chơi, dù giá trị cao hơn thị trường gấp 5 - 10 lần. Thầy trò anh Trung cũng là nơi sản xuất vóc, cung cấp cho họa sĩ sơn mài cao cấp ở Hà Nội.
Họa sĩ trong nhóm sơn ta Trần Tuấn Long chia sẻ: “Trong kỹ thuật sơn mài, thể hiện và làm chủ được chất liệu là điều khó, các học trò của anh Trung đều là những thợ giỏi về nghề. Từ nắm vững kỹ thuật cơ bản ấy, lại có khả năng làm chủ tất cả các công đoạn chế tác, các em sẽ còn tiến xa hơn rất nhiều”.
|
Qua năm tháng, anh Trung thành thợ, chủ xưởng đưa mẫu, vẽ y chang. Anh gia nhập hợp tác xã sơn mài Thống Nhất ở phố Huế, làm album ảnh, hộp mỹ nghệ, bình lọ, bàn cờ vua... xuất khẩu Đông Âu. Lúc hàng dư thừa, rỗi thời gian, anh Trung lại lọ mọ... sáng tác. Nhưng khi đụng vào vóc, đặt mua, toàn gặp thứ không vừa lòng, vậy là anh quyết tâm học làm vóc, làm sơn cho được.
|
Nghệ sĩ Doãn Chí Trung kể: “Tôi tìm đến những nghệ nhân về vóc, sơn nổi danh bấy giờ như cụ Chính, cụ Nghị... Các cụ này rất khó tính, không phải ai đến cũng tiếp. Tôi gặp may là vì hay vẽ theo đơn hàng các cụ đặt, vẽ sạch sẽ, gọn gàng, đúng bản mẫu nên các cụ quý. Các cụ xưa giấu nghề kỹ lắm, muốn học đâu có nói thẳng ra được. Mỗi tối ghé nhà, mua gói trà, bao thuốc, mời các cụ, rồi nói chuyện trên trời dưới bể, lâu lâu đá tí vào nghề, các cụ cũng nói lại cho tí. Từ năm 18 tuổi, tôi bắt đầu như thế, mãi hơn 30 năm sau, qua bao lần thất bại, làm đi làm lại, học hỏi từ nhiều nghệ nhân khác trong nghề sơn mài để đối chiếu, so sánh, rút tỉa kinh nghiệm, tôi mới dám tự tin khẳng định mình đã biết tương đối về nghề”.
Khi Đông Âu tan rã, hợp tác xã sơn mài giải thể, những người siêu giỏi cũng khó sống, bỏ nghề sạch. Anh Trung hồi tưởng: “Tôi vốn không năng động, cũng chẳng biết làm nghề khác, và bản thân thấy sơn mài hay nên vẫn cứ làm trong tình cảnh nhà thiếu gạo ăn, sản phẩm làm ra không ai đoái hoài. May vẫn được các đại sư của làng nghề như cụ Chính, cụ Nghị, cụ Số, thầy Còm mỗi lần xem sản phẩm đều động viên. Nhờ vậy mà vượt qua được, nhưng sống lay lắt lắm”.
|
Sơn mài cho người khuyết tật
Năm 2006, trong lần đi xe ôm của anh thương binh mất một chân, biết anh Trung làm sơn mài, tay xe ôm nhanh nhảu hỏi chịu đi dạy cho trẻ khuyết tật không? Anh Trung trả lời cho có: “Tớ dạy tất, ai bảo tớ chả dạy”. Chuyện tưởng đùa hóa ra là thật. Anh Trung một mực từ chối nhưng anh xe ôm thương binh nhất định không đồng ý, bởi “đã nói thì phải làm”.
Đến lớp học, nhìn 20 em nhỏ, chỉ hai ba đứa khiếm thính là lành lặn, số còn lại tay chân, đầu óc đều có vấn đề, đứa co ro, đứa nằm mọp dưới đất, nhớt dãi chảy trông rất tội nghiệp. Anh Trung kể: “Tôi phát hãi, anh trai tôi cũng khuyết tật, học trò cũng khuyết tật, nhưng cả lớp 20 em thế này tôi không biết làm sao dạy được. Ấy thế mà chỉ qua hai hôm, chính các em khiến tôi bất ngờ và thay đổi suy nghĩ. Khi tôi chưa đến lớp, các em đã chuẩn bị sẵn ấm chén chè, lau sạch bong, từng đứa ngồi đợi nghiêm trang, ngăn nắp, thầy đến chào hỏi, xong là học rất chăm chỉ. Sau 9 tháng kết thúc khóa học, các em lại năn nỉ tôi dạy tiếp thêm khóa hai, rồi lại tiếp nữa, tròn 2 năm ròng”.
Anh Trung truyền dạy hết các ngón nghề về sơn mài mà hơn 30 năm anh tự mày mò, nghiên cứu, đúc kết và giữ lại những tinh hoa nhất của giới nghệ nhân các làng nghề. Hỏi về các học trò khuyết tật, anh tự hào: “Tôi dạy nhiều học trò, người nước ngoài Á - Âu đều có. Cách dạy của tôi giống nhau nhưng các bạn khuyết tật tập trung hơn, tĩnh tâm tuyệt đối khi học nên tiếp thu được nhiều hơn so với người thường. Ví dụ học về cẩn trứng, người thường ngồi gắn chỉ 15 phút, lâu là 1 tiếng, còn những bạn khuyết tật gắn cả ngày này qua ngày nọ mà chẳng hề hấn gì”.
Trong xưởng chế tác của nghệ sĩ Doãn Chí Trung, các thầy trò làm việc cả năm chỉ nghỉ ngày lễ, tết. 20 học trò khuyết tật của lớp học sơn mài, giờ chỉ còn lại 6 người theo nghề, nhưng đều là thợ giỏi. Học trò Nguyễn Anh Duy bị khuyết tật ở chân nay thành danh, thợ chính của thương hiệu La Sơn Mài chuyên sản xuất ốp trang trí điện thoại. Học trò Nguyễn Văn Thương mỗi bàn tay chỉ một ngón, Trương Quốc Huy bị khiếm thính đều có khả năng làm tất cả công đoạn để cho ra một sản phẩm, tác phẩm hoàn chỉnh như thầy Trung. Với khả năng đó, không khó hiểu khi sản phẩm của họ như một mâm quả sơn mài bằng gỗ mít, đường kính chưa đến 40 cm, giá đã hơn 20 triệu.
Gắn bó với các học trò khuyết tật như người thân trong gia đình, anh Trung tâm sự: “Dạy các em nhưng thật tâm tôi học từ các em rất nhiều. Có những lúc nản chí muốn buông, nhìn các em ở xưởng vẫn mải mê làm, tôi tự nhủ, các bạn khuyết tật còn quyết tâm làm, mình là người bình thường, lành lặn, không thể nản chí được. Cứ vậy mà thầy trò vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất”.
Làm sơn mài... đổi gạoLúc khó khăn nhất của nghề sơn mài, anh Trung cùng một đệ tử khuyết tật hì hụi làm được 9 cái khay rất đẹp. Nhà hết gạo, anh bèn tính chuyện đem khay đi bán. Đem đến D.A, một tay chủ chuyên sưu tầm tranh có máu mặt ở Hà Nội, anh Trung ra giá 50 USD, tay mua tranh chẳng nói chẳng rằng, rút xoẹt hầu bao lấy 450 USD, mua tất.
Cầm tiền, anh Trung đổi ngay 50 USD, đóng hết luôn vào gạo. Sớm hôm sau điện thoại réo, tay chủ tranh triệu hồi lên phòng tranh gấp. Anh Trung lo, bụng nghĩ chắc xem lại, họ phát hiện ra cái gì không ưng và đòi trả hàng. Tiền đã mua gạo mất 50 USD, biết lấy gì bù vào. Chẳng ngờ vừa gặp mặt, tay chủ nói: “Tao đưa đồ của mày cho bọn nghệ xem, chúng nó chết khiếp, đứa nào cũng khen. Mày đang làm ở đâu? Hay về đá với tao đi?”. Anh Trung tính toán, cả gia đình chỉ cần 3 triệu là đủ sống, anh “tố” lên mức lương 5 triệu. Ông chủ tranh xì tiền cái rẹt: “Tao trả luôn mày 7 triệu, đưa trước tiền 2 năm”. Anh Trung phát hoảng: “Bỏ mẹ, nó trả mình cao tiền thế, lỡ về nhà nó lại bắt lau nhà, thông cống các kiểu thì chết”. Vậy là thoái thác rồi trốn biệt, hai thầy trò lại tiếp tục luyện sơn mài.
|
Bình luận (0)