Cách đây 6 tháng, Khu Liên hợp thể thao quốc gia (khu liên hợp) nhận được công văn của cơ quan thuế với nội dung, tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với khu liên hợp. Lý do cưỡng chế: Khu liên hợp có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại luật Quản lý thuế, là 848 tỉ đồng. Quyết định này có hiệu lực trong vòng 1 năm, kể từ ngày 20.6.2022.
Sân Mỹ Đình hiện tại |
THÁI NINH |
Trả lời Báo Thanh Niên, đại diện cơ quan thuế cho biết: “Đối với số tiền nợ thuế của khu liên hợp, đơn vị thuế đã triển khai thực hiện đầy đủ và nghiêm túc theo đúng các quy trình và quy định trong quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế và kết luận của Thanh tra Chính phủ. Áp dụng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, cưỡng chế nợ thuế như cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn, công khai thông tin nợ thuế để thu hồi nợ đọng đối với khu liên hợp.
Đơn vị thuế đã phối hợp với Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT để hỗ trợ trong việc đôn đốc khu liên hợp thực hiện nộp tiền thuế nợ; đồng thời có công văn báo cáo và xin ý kiến Tổng cục Thuế có hướng dẫn và các giải pháp đặc thù để đôn đốc thu tiền thuế nợ, phù hợp với tình hình thực tế của của khu liên hợp. Trong thời gian tới, đơn vị thuế tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn đối với khu liên hợp để kiểm soát việc sử dụng hóa đơn và thu tiền thuế nợ thông qua việc cho phép khu liên hợp xuất hóa đơn lẻ theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, đồng thời cơ quan thuế sẽ phối hợp với các Sở ban ngành, các cơ quan chức năng, đơn vị chủ quản để phối hợp đôn đốc thu hồi nợ đọng và đưa ra các giải pháp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với khoản nợ tại khu liên hợp”.
Tính đến thời điểm hiện tại, khoản nợ xấu đã phát sinh lên đến con số “khổng lồ” hơn 1.000 tỉ đồng. Theo một quan chức ngành thể thao, trong 6 tháng tới, nếu không thể trả nợ theo đúng yêu cầu của cơ quan thuế, số nợ càng tăng vọt, sẽ vào khoảng gần 1.500 tỉ đồng.
Tuyển Việt Nam trở lại sân Mỹ Đình gặp đội Myanmar vào ngày 3.1.2023 |
ĐỘC LẬP |
Mới đây, trả lời Báo Thanh Niên, một lãnh đạo Tổng cục TDTT nói: “Khu liên hợp đơn vị tự chủ 100%. Trước đây Chính phủ đã cho thử nghiệm tự chủ, cho phép cho khu liên hợp được thực hiện liên doanh liên kết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo khu liên hợp (thời kỳ 2009 – 2018) đã để xảy ra nhiều sự việc. Các hợp đồng liên doanh liên kết hợp đồng phù hợp, đóng thuế đầy đủ nhưng cũng có 1 số các công ty hợp đồng không đúng quy định pháp luật. Vấn đề này được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tất cả các hoạt động của khu liên hợp đều phải cưỡng chế thuế. Các hợp đồng đều phải trích lại để đóng thuế. Hợp đồng giữa khu liên hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về việc thuê sân Mỹ Đình phục vụ AFF Cup 2022 với số tiền 800 triệu đồng/trận, khu liên hợp cũng phải trích để đóng thuế”.
Ngành thể thao đang xin các cơ quan có thẩm quyền “khoanh vùng” khoản nợ thuế của khu liên hợp, tránh phát sinh nhưng không được chấp thuận. Khu Liên hợp thể thao quốc gia đang lâm vào cảnh bất lực chi trả hoàn toàn mà không có cách giải quyết.
Bình luận (0)