‘Hết năm này qua năm khác không thấy Bộ trưởng chịu trách nhiệm gì’

13/06/2018 10:06 GMT+7

Nhận trách nhiệm xong nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm hay bị xử lý, đó là băn khoăn của các đại biểu Quốc hội khi bàn về quyền hạn, nghĩa vụ của người đứng đầu quy định trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.

Thảo luận luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sáng nay, 13.6, tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo luật quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng tưởng chừng đã rõ ràng, nhưng lại rất thiếu tính khả thi.
Cụ thể, dự thảo nêu người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện trong cơ quan khi để xảy ra tham nhũng, kể cả khi cấp dưới vi phạm. Song, đại biểu Thuý lo ngại, với cách thức tổ chức hệ thống công vụ thiếu đi sự tương ứng giữa trách nhiệm và quyền hạn, không thể đòi người đứng đầu chịu trách nhiệm về những việc người đó không có quyền quyết định.

Nữ đại biểu này cho rằng, trách nhiệm để xảy ra tham nhũng cũng cần phải chia cho người tham mưu và trong nhiều trường hợp có cả một dây liên đới, vì thế, rất khó chỉ ra người có trách nhiệm thực sự.

“Ở cấp phòng, cán bộ tham nhũng thì trưởng phòng chịu trách nhiệm. Vậy trưởng phòng tham nhũng thì giám đốc sở có chịu trách nhiệm không? Đó là chưa nói đến cơ chế song trùng trực thuộc, vừa có thủ trưởng theo chiều ngang, vừa thủ trưởng theo chiều dọc. Giám đốc sở có 2 thủ trưởng cấp trên là Chủ tịch UBND tỉnh và bộ trưởng lĩnh vực đó. Nếu giám đốc sở tham nhũng thì vị nào trong 2 vị này phải chịu trách nhiệm?”, đại biểu Thuý đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Thuý, cơ chế tập trung quan liêu hiện nay chậm được khắc phục, nét đặc trưng của cơ chế này là quyền hạn tập trung cho cấp trên, trách nhiệm cũng đẩy hết lên cho cấp trên. Khi tham nhũng xảy ra, trách nhiệm có thể dính đến cấp rất cao nhưng việc áp đặt trách nhiệm pháp lý cho quan chức cao cấp là rất khó khăn. Điều này lại càng khó khăn hơn khi xử lý trách nhiệm chính trị hiện nay rất không rõ ràng.

“Khi Quốc hội chất vấn bê bối xảy ra trong một bộ nào đó thì vị bộ trưởng có liên quan trả lời xin nhận trách nhiệm và các vị đại biểu có vẻ như hài lòng với câu trả lời này. Nhưng hết năm này sang năm khác, vẫn không thấy vị bộ trưởng ấy chịu trách nhiệm gì cả!”, đại biểu Thuý đơn cử.

Từ dẫn chứng trên, đại biểu Thuý đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó, trước mắt chế độ, trách nhiệm được xác lập trên cơ sở quyền hạn thực tế mà người đứng đầu đang có. Sau đó, trách nhiệm chỉ xác lập trên cơ sở hành vi mà rõ ràng nhất là hành vi kiểm tra, giám sát công chức cấp dưới, hành vi ban hành các văn bản trong lĩnh vực hành chính có khả năng tạo ra cơ hội cho nhóm lợi ích tham nhũng.

“Việc áp dụng trách nhiệm tràn lan, không căn cứ vào hành vi như dự thảo luật chỉ mang đến những kết quả ngược lại, khiến người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị che giấu tham nhũng mà thôi”, đại biểu Thuý góp ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.