Hết tết: Rưng rưng nhìn mớ quà quê mẹ gửi

19/02/2024 16:07 GMT+7

Hết tết, khi thấy ba mẹ bắt đầu lọ mọ chuẩn bị gói ghém nhiều thứ quà quê cho tôi mang vào thành phố là tự biết đã đến lúc mình sắp phải xa nhà.

Cảm xúc bịn rịn mỗi khi vào lại thành phố

Với nhiều người trẻ đi học, làm việc xa quê như tôi có lẽ khoảnh khắc khi rời nhà để quay lại thành phố chứa đựng nhiều sự bịn rịn và lưu luyến nhất. Ngày về quê ai nấy đều háo hức, mong chờ nhưng đến khi chào tạm biệt cả nhà để vào lại thành phố thì lòng lại nặng trĩu.

Dẫu biết đứa trẻ nào rồi cũng sẽ trưởng thành và rời xa vòng tay ba mẹ để thực hiện ước mơ. Thế nhưng dù là sinh viên năm nhất hay đã ra trường đi làm nhiều năm thì khoảnh khắc khi chiếc xe lăn bánh, ngoái đầu lại nhìn thấy người thân mình vẫy tay chào tạm biệt, nhiều người vẫn rưng rưng như lần đầu đi xa nhà.

Hết tết: Rưng rưng nhìn mớ quà quê mẹ gửi- Ảnh 1.

Bịn rịn là cảm xúc không thể tránh khỏi của nhiều người trẻ đi làm, đi học xa quê mỗi khi chia tay gia đình sau kỳ nghỉ tết

THẢO PHƯƠNG

Đã trải qua 4 năm đi học xa nhà, nhưng lần nào hết tết phải vào lại thành phố, Nguyễn Thị Kim Tiền, quê ở tỉnh Quảng Nam, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng buồn da diết. “Mặc dù đã về nhà ăn tết hơn nửa tháng nhưng mình vẫn ước gì hôm nay mới 30 tết để được ở nhà thêm nhiều ngày nữa. Càng lớn, thời gian ở nhà ít dần nên lần nào có dịp về quê mình cũng trân trọng từng giây từng phút ở bên gia đình. Lúc về vui vẻ, háo hức bao nhiêu thì khi đi lại buồn bấy nhiêu”, Tiền tâm sự.

Ước gì mấy ngày tết trôi qua thật chậm có lẽ là mong muốn của không ít người. Nhất là những người trẻ đi làm xa quê, mỗi năm chỉ được về nhà một lần. “Cả năm đi làm xa, chỉ có mấy ngày tết để cả nhà tụ họp đông đủ, ở gần ba mẹ và các em. Vậy mà quay qua quay lại đã hết tết, sao mà nhanh quá. Giờ ngồi trong phòng trọ mà mình nhớ mâm cơm mẹ nấu và không khí mọi người quây quần ở nhà tự nhiên khóe mắt cay cay”, Lê Thị Trinh (26 tuổi), trọ tại hẻm 19 Mã Lò, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân (TP.HCM) chia sẻ.

Bắt đầu vào TP.HCM từ năm 18 tuổi, dù đã xa nhà nhiều năm nhưng với Trinh, lần nào kết thúc kỳ nghỉ tết lên xe vào lại thành phố cảm xúc cũng như lần đầu tiên. “Lần nào ba đưa ra xe mình cũng ứa nước mắt vì không nỡ đi. Lúc vào lại thành phố phải mất 1 - 2 tuần sau mình mới có thể nguôi nỗi nhớ nhà và quay lại cuộc sống như thường ngày. Những lúc nhớ nhà mình lại tự nhủ phải cố gắng làm việc để năm sau lại về đón tết với gia đình”, Trinh nói.

Mẹ gói cả "thế giới" cho con mang vào thành phố

Người rời đi thì bịn rịn mà người ở lại cũng lưu luyến không nguôi. Có lẽ vì thế mà bao nhiêu tình cảm dường như được gói ghém trong những thức quà quê để gửi gắm vào thành phố xa xôi.

Hết tết: Rưng rưng nhìn mớ quà quê mẹ gửi- Ảnh 2.

Thùng đồ ăn mẹ của Tiền đóng gói để cô mang vào thành phố

NVCC

“Mỗi lần về quê ba mẹ cứ bắt ăn hết món này đến món khác, nhất là những ngày cuối ở nhà, bao nhiêu phần ngon cũng để dành cho mình. Chưa kể còn tận 2 thùng đồ ăn mẹ chuẩn bị để mình mang vào thành phố. Nào là bánh kẹo, bánh tét, thịt gà, heo… mẹ đều chọn những phần ngon nhất cho mình mang đi. Gói hạt nêm, mì chính mẹ cũng ráng nhét thêm vì sợ mình vào trong đó mua tốn tiền. Mỗi lần nhìn dáng vẻ mẹ đóng đồ ăn cho là mắt mình lại rưng rưng. Nhưng đó cũng chính là động lực để mình cố gắng hơn”, Tiền bày tỏ.

“Đồ ăn của ba mẹ và bà nội gửi cho mang đi sau tết có khi mình bỏ tủ lạnh ăn 2 tháng không hết”, đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Hồng Hân, sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

“Trước một ngày mình vào lại thành phố là ba sẽ làm thịt gà, mẹ đi chợ mua cá, thịt còn bà nội thì ra sau vườn hái đủ thứ loại rau, bao nhiêu bánh kẹo tết còn bà cũng để dành cho mình. Cho nên lần nào hết tết mình vào lại thành phố cũng lỉnh kỉnh đồ đạc. Với mình, đó không chỉ là đồ ăn mà còn biết bao tình cảm của mọi người ở trong đó. Cho nên mỗi lần nấu ăn là mình cảm giác như được ăn cơm ở nhà”, Hân chia sẻ.

Hết tết: Rưng rưng nhìn mớ quà quê mẹ gửi- Ảnh 3.

Những món quà quê như: bánh tét, bánh tổ của nhà làm hay trái cà chua, thơm... cũng một tay mẹ gói ghém để con mang đi thành phố

THẢO PHƯƠNG

Thùng đồ ăn mẹ đóng gói cho những đứa con mang đi tuy chỉ là các món bình thường dân dã, đa phần đều của nhà làm ra, nhưng sẽ chẳng thể tìm kiếm được hương vị đó ở nơi phố thị. Có lẽ vì vậy mà nhiều người trẻ dù phải tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đồ đạc do người thân gửi nhưng vẫn không ta thán một lời. Ngược lại họ càng trân trọng hơn những món quà từ quê hương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.