Theo hai tác giả Andrea Felsted, nhà báo viết cho mục Bloomberg Gadfly và Shelly Banjo, người từng là phóng viên tờ The Wall Street Journal và trang Quartz, bất ổn kinh tế đang trải từ Trung Quốc cho đến châu Âu cùng với biến động chứng khoán và thị trường tiền tệ. Niềm tin người mua hàng có thu nhập cao ở Mỹ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố này và đây không phải là tin tốt dành cho nhu cầu mua sắm sản phẩm xa xỉ.
Ngay từ trước cuộc bỏ phiếu Brexit, hay Anh rời Liên minh châu Âu (EU), nhiều lo ngại dấy lên xung quanh các nhà bán lẻ châu Âu, nỗ lực giảm bớt nhu cầu tiêu thụ khi kinh tế tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các thương hiệu toàn cầu như Tiffany, Prada... Kết hợp với đô la Mỹ tăng giá, ngày càng ít du khách ngoại lui tới trung tâm mua sắm ở Mỹ như Neiman Marcus và Bloomingdale's.
Cổ phiếu các nhà sản xuất hàng xa xỉ cũng giảm 13% trong năm qua, trong khi chỉ số MSCI World chỉ hạ 4% còn S&P 500 thì đi lên 3%, theo dữ liệu từ Bloomberg Intelligence. Sự lao dốc của Mỹ, thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, có thể khiến các thương hiệu bán hàng sang trọng gặp khó khăn. Dù tình hình thị trường lao động Mỹ vừa giúp chứng khoán khởi sắc, xu hướng tăng trưởng lao động dài hạn, sự thiếu chắc chắn trong việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng bất ổn trên thị trường toàn cầu sẽ tiếp tục chi phối niềm tin của các cá nhân chi tiêu mạnh tay, những người ngày càng hạn chế chi tiêu.
|
Ba năm qua, Mỹ góp khoảng 1/3 mức tăng trong doanh số hàng cao cấp, đứng thứ nhì sau Trung Quốc, theo giới phân tích tại Exane BNP Paribas. Dù vậy, tình hình hiện ảm đạm không chỉ vì chi tiêu của du khách thấp hơn. Hãng Richemont, sở hữu các thương hiệu như Cartier và Panerai, dự báo sự thiếu chắc chắn trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ làm chùn chân thị trường vốn đi lên mạnh mẽ. Giá năng lượng giảm cũng làm tổn thương trung tâm mua sắm vì nhiều khách hàng lui đến đây kiếm tiền từ các doanh nghiệp dầu mỏ, khí đốt.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản - nước là thỏi nam châm với du khách Trung Quốc từng tận dụng đồng yen Nhật giá rẻ - cũng đang chịu ảnh hưởng vì nội tệ lên giá so với nhân dân tệ.
Một trong các điểm sáng trên thị trường hàng xa xỉ là Anh. Chuyện bảng Anh giảm giá so với USD và EUR có thể khiến nơi đây hấp dẫn hơn trong mắt khách nước ngoài, những người có thể tậu thêm khăn choàng hiệu Hermes hay áo khoác Burberry. Chi tiêu trung bình trong mỗi giao dịch của khách người Hoa đến Anh tăng 14% trong 10 ngày hậu Brexit. Dù vậy, xét phương diện xa xỉ, nước Anh chỉ chiếm 6% thị trường hàng xa xỉ thế giới, theo giới phân tích ở hãng Bernstein.
|
Tuy nhiên, Burberry rõ ràng đang hưởng lợi từ nhu cầu cao ở quê nhà. Cổ phiếu hãng này tăng 5% từ sự kiện Brexit, thể hiện tốt hơn các đối thủ trong nhóm Bloomberg Intelligence Global Luxury Peer, những hãng có cổ phiếu giảm với mức tương tự. Cổ phiếu LVMH và Kering thì phục hồi nhờ sự đa dạng trong hoạt động kinh doanh của LVMH và sự hồi phục của thương hiệu Gucci do Kering sở hữu.
Nhiều thương hiệu xa xỉ có giá phải chăng hơn ở Mỹ cũng có thể hưởng lợi khi khách hàng bớt mua ví Prada, chọn ví Kate Spade và ít mua trang phục, tăng mua trang sức, phụ kiện có mức giá thấp hơn, chẳng hạn như tậu món hàng Stuart Weitzman giá 400 USD thay vì mua váy Gucci 10.000 USD. Cổ phiếu các hãng như Michael Kors và PVH đang diễn biến tệ hơn một số đối thủ.
Ralph Lauren, Michael Kors và PVH nhận hơn 1/5 doanh thu từ châu Âu và doanh số từ quê nhà có thể trở nên quan trọng hơn khi các doanh nghiệp không thể phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô để tăng trưởng. Chuyện thay đổi, tập trung xây dựng thương hiệu tại các điểm bán lẻ và thương mại điện tử của các hãng như Coach và Ralph Lauren có thể đẩy cổ phiếu tại các doanh nghiệp này đi lên. Dù vậy, giao dịch sôi động các loại cổ phiếu của nhà sản xuất hàng xa xỉ khó có thể quay lại sớm.
tin liên quan
Kinh doanh ế ẩm, CEO hãng thời trang Burberry bị giảm lươngChristopher Bailey, Giám đốc điều hành hãng thời trang nổi tiếng thế giới Burberry đã bị cắt giảm 75% lương do tình hình kinh doanh ế ẩm, theo BBC.
Bình luận (0)