Đó là cảnh báo của các nhà khoa học thuộc Đại học York (Canada) trong nghiên cứu vừa được công bố trên chuyên san Geophysical Research Letters ngày 4.8. Trưởng nhóm nghiên cứu William Colgan, một chuyên gia về khí hậu và sông băng tại Đại học York, giải thích vùng tự trị Greenland (thuộc Đan Mạch) đang “che giấu” một căn cứ quân sự cũ từng được vận hành bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ cùng với đống chất thải độc hại bao gồm cả chất phóng xạ.
Hiện tượng khí hậu ấm lên toàn cầu hiện nay sẽ làm tan băng tại Greenland và cuốn trôi ra đại dương mọi chất độc hại còn sót lại trong căn cứ, gây hiểm họa khôn lường cho môi trường.
“Di sản” Chiến tranh lạnh
Thời điểm Chiến tranh lạnh leo thang, Mỹ đã cho xây dựng căn cứ Century (Thế kỷ) bên dưới bề mặt băng ở tây bắc Greenland vào năm 1959 với mục đích phục vụ cho dự án mật mang tên Iceworm. Tại căn cứ hoạt động từ năm 1959 - 1966, Mỹ nghiên cứu triển khai các tên lửa hạt nhân (được cho khoảng 600 tên lửa) chôn dưới lòng băng nhằm đối phó Liên Xô trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Đây từng là nơi sống và làm việc của 200 người phục vụ dự án Iceworm. Căn cứ có hệ thống đường hầm chằng chịt, với tổng cộng 21 đường hầm hình vòm có mái thép được nối với các khu nhà tiền chế, tất cả đều nằm dưới lòng băng. Giới chức quân sự Mỹ thậm chí đã cho lắp đặt 1 lò phản ứng hạt nhân loại PM-2A để cung cấp điện cho cả căn cứ. Century được xem như là thành phố thu nhỏ khi có đầy đủ bệnh viện, cửa hàng, nhà hát và cả một nhà thờ… Nguồn nước sinh hoạt được lấy từ băng tan và được kiểm nghiệm cẩn thận trước khi đưa vào sử dụng.
|
Các chuyên gia lúc đó tin rằng toàn bộ cơ sở hạ tầng và chất thải còn lại trong Century sẽ mãi được chôn vùi dưới lớp băng do tuyết rơi liên tục ở vùng Greenland. Thế nhưng, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra.
Hiểm họa phóng xạ
Các chuyên gia về khí hậu cho biết hiện tượng ấm lên toàn cầu đã làm lớp băng ở Greenland bắt đầu tan. Và rất nhiều vật liệu độc hại sẽ bị phơi bày, trong đó có khoảng 200.000 lít nhiên liệu diesel, 240.000 lít nước thải, một số chất độc có thể gây ung thư và một lượng không rõ chất thải phóng xạ dùng làm mát máy phát điện hạt nhân còn sót lại trong căn cứ. Sau khi đóng cửa Century vào năm 1966, Mỹ để lại khá nhiều vật liệu nguy hiểm cùng các thùng nhiên liệu rỗng, rác, đồ dùng cá nhân của binh lính... bên trong căn cứ.
Ông Colgan giải thích: “Các nhà quân sự khi đó nghĩ rằng tuyết sẽ mãi rơi giúp vùi lấp vĩnh viễn mọi thứ. Tuy nhiên, với hiện tượng biến đổi khí hậu như hiện nay và Bắc cực đang nóng lên nhanh hơn so với các phần khác của thế giới, chúng ta có thể nói rằng đây không phải là ngôi mộ vĩnh cửu. Có lẽ trong vòng một thế kỷ, băng sẽ bắt đầu tan chảy hết”. Theo chuyên gia Colgan, nhiều khả năng căn cứ Century sẽ “trồi” lên vào năm 2090 và khi đó mọi chất thải độc hại ở đây sẽ dần tuôn ra. Điều ít ai ngờ là các chất ô nhiễm sẽ không chỉ ở một nơi mà chúng có thể trôi dạt ra đại dương, để lại hậu quả khôn lường cho môi trường.
Tuy nhiên, việc dọn sạch “di sản” của Mỹ không phải không làm được. Vì theo ông Colgan, Mỹ đã và đang dọn dẹp các hệ thống cảnh báo xa sớm (DEW) nhằm dò tìm tên lửa hạt nhân của Liên Xô từng được đặt tại căn cứ không quân Thule ở Greenland; di dời các chất thải nguy hại môi trường nghiêm trọng nhất. Nhưng đối với căn cứ Century, việc làm rõ ai chịu trách nhiệm dọn dẹp mới là vấn đề nan giải: Mỹ hay chính phủ Đan Mạch.
Theo chuyên gia Colgan, căn cứ Century không phải là bãi rác nguy hiểm duy nhất bị chôn vùi dưới lớp băng. Thời Chiến tranh lạnh, một loạt căn cứ đã được xây dựng nằm rải rác khắp Greenland. “Chúng ta đang tiến tới một thời đại mà sẽ có thêm nhiều căn cứ hơn tại Bắc cực. Mỹ và các đồng minh NATO cần phải thể hiện rõ thiện chí và có trách nhiệm quản lý các căn cứ cũ khác”, ông Colgan đúc kết.
Bình luận (0)