Đến Long Châu, rất dễ thấy đường làng, ngõ xóm thôn Ngô Xá, đâu đâu cũng thấy những bao tải kính chất cao như núi, có khi chất thành đống ngay bên vệ đường. Theo một số người dân địa phương, tình trạng này diễn ra nhiều năm nay. Chính quyền địa phương có xử lý nhưng không dứt điểm, khiến đường đi tiếp tục thành bãi chứa. Người ta còn phân loại, đập kính ngay trên đường khiến kính vụn tung tóe khắp nơi.
Trên đường làng, luôn có những chiếc xe tải chất đầy kính vụn và rắc mảnh kính khắp nơi. Đường làng vì thế nham nhở ổ gà, ổ voi và mảnh thủy tinh khiến ai cũng phải dè chừng.
Nguyễn Thị Phương, một công nhân của Samsung Việt Nam ở trọ trong làng bức xúc: “Mỗi lần đi đường em phải căng mắt nhìn để tránh những chỗ có kính vì sợ đâm vào lốp xe. Lại còn những tấm kính lớn, sắc nhọn dựng ở hai bên lề đường, lỡ ai ngã xe mà va phải thì vô cùng nguy hiểm”.
Không chỉ lo thủng xe, đổ máu khi ra đường, Ngô Xá còn đứng trước hiểm họa môi trường do hóa chất. Trước khi mang bán cho các nhà máy kính, kính vụn phải được phân loại và làm sạch. Sau khi phân loại, kính phải được làm sạch bằng nước, hóa chất tùy theo độ bẩn. Hai loại hóa chất được người dân Ngô Xá dùng để làm sạch kính là axit sulfuric dạng nước (H2SO4 ), sodium hydroxide dạng bột (NaOH).
Anh Nguyễn Hoàng Bộ, người có gần 10 năm thâm niên trong nghề chia sẻ bí quyết làm sạch kính: “Chất tẩy rửa có nhiều loại, tùy thuộc vào từng loại kính, miễn sao để kính trắng nhất trong thời gian ngắn nhất. Nếu tẩy kính bằng axit sulfuricthì ngâm khoảng 10 phút rồi ủ từ 3–7 ngày, sau đó rửa sạch bằng nước. Còn nếu tẩy kính bằng sodium hydroxide thì ngâm 5–7 phút, sau đó ủ 10 ngày, rồi rửa bằng nước sạch, đảm bảo kính trắng toát”. Anh Bộ tiết lộ, gia đình anh chỉ phân loại kính còn công đoạn tẩy trắng gia đình thuê nhân công vì sợ hóa chất ảnh hướng tới sức khỏe.
Về nguồn gốc của hóa chất, anh Bộ cho biết có thể mua rất dễ ở chợ Vĩnh Yên hoặc của chính các hộ buôn kính vụn. Một can axit sulfuric 20 lít giá khoảng hơn 1 triệu đồng, sodium hydroxide giá khoảng 25.000 đồng một kg.
Chúng tôi tiếp cận một xưởng sơ chế kính vụn trên địa bàn thôn Ngô Xá khi công nhân đang thực hiện công đoạn làm sạch kính bằng hóa chất. Trong xưởng, người phụ nữ trên 60 tuổi tên Tình không sử dụng găng tay, khẩu trang khi tiếp xúc với hóa chất. Bà xúc ba xẻng sodium hydroxide đổ vào chậu nhựa chứa hơn chục lít nước, khuấy đều rồi xả trực tiếp vào kính vụn. Tiếp theo, nước có chứa hóa chất được xả thẳng xuống kênh thoát nước của làng. Bà bảo: “Làm như thế bao năm nay quen rồi, nhiều khi cũng chẳng cần khẩu trang, găng tay, nước thải cứ chỗ nào tiện thì xả xuống thôi”. Công nhân suốt ngày tiếp xúc với hóa chất như bà mỗi ngày được trả 150.000 đồng, còn công nhân phân loại kính chỉ được trả 80.000 đồng/ngày.
Tiếp tục thâm nhập một xưởng sơ chế kính vụn khác nằm giữa làng, đập vào mắt phóng viên là cảnh hai nữ công nhân mặt mũi bịt kín mít đang xả nước rửa kính. Nước có màu xanh lè từ trong sân nhà ào ào chảy ra ngõ xóm.
Mang “nỗi lo kính vụn” trình bày với ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Long Châu, ông Toàn trả lời: “Chúng tôi đã xử lý tình trạng đổ kính vụn bừa bãi ra đường làng, nên đến nay tình trạng trên đã được cải thiện rất nhiều”. Phó chủ tịch xã cũng nêu tên một số gia đình đã nhiều lần bị cảnh cáo, nhắc nhở như hộ ông Thuật, ông Bình Hoài… “Chúng tôi đang quy hoạch thành các khu sản xuất nhưng chưa thực hiện được. Còn về hóa chất thì… làng nghề mà chị, tránh sao được”, ông Toàn nói.
Chú thích: Thủy tinh chất đống vương vãi trên đường làng, hóa chất trong xưởng và điều kiện lao động thô sơ đang đe dọa cuộc sống người dân Ngô Xá - Ảnh Đắc Chuyên
Đắc Chuyên
Bình luận (0)