Hàng trăm đường ngang dân sinh mở bất hợp pháp trên tuyến đường sắt bắc - nam chạy qua các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đang đe dọa đến tính mạng của người tham gia giao thông.
Đường ngang dân sinh gần ngã ba Yên Lý (H.Diễn Châu, Nghệ An)- Ảnh: Phạm Đức
|
Đường ngang “3 không”
Đoạn đường sắt bắc - nam chạy qua các xã Diễn Yên và Diễn Trường (H.Diễn Châu, Nghệ An) dài chưa đầy 10 km nhưng có rất nhiều đường ngang dân sinh. Người dân mở đủ loại đường ngang để ra đồng, ra ao cá, ra vào làng… Ông Trần Đăng Lâm, Cung trưởng đường sắt Yên Lý cho biết, trên đoạn đường sắt này chỉ có 4 đường ngang hợp pháp, trong đó 2 đường có gác chắn, còn lại là đường ngang bất hợp pháp.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều đường người dân tự mở đều là đường dân sinh 3 không: không rào chắn, không biển cảnh báo, không người gác nên tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông. Một người dân sống ở ngã ba Yên Lý (xã Diễn Yên) cho biết: “Thi thoảng lại xảy ra tai nạn đường sắt. Nhiều xe máy, người đi bộ chết oan vì bị tàu đâm”. Ngay gần ngã ba Yên Lý, nơi tập trung khá đông người, cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm. Năm 2013, 2 quân nhân vừa xuống xe khách, trong khi băng qua đường sắt để đi vệ sinh đã bị tàu đâm chết. Sau đó, 3 người khác cũng đã bỏ mạng trên các đường dân sinh ở khu vực này.
Trên đoạn đường sắt qua xã Nghi Liên (TP.Vinh, Nghệ An) cũng dày đặc đường ngang dân sinh mở bất hợp pháp, trong đó hầu hết chỉ có biển cảnh báo, không có hệ thống chuông báo động. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại đây.
Cơ quan quản lý bất lực?
Theo thống kê của các đơn vị quản lý đường sắt trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An thì tuyến đường sắt bắc - nam chạy qua địa phận 2 tỉnh này dài 197,2 km. Trên tuyến có 135 đường ngang có rào chắn hoặc có cảnh báo tự động và biển cảnh báo. Đặc biệt, trên dọc tuyến có tới 305 đường ngang bất hợp pháp. Trong năm 2014, trên địa bàn 2 tỉnh này đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông đường sắt, chủ yếu liên quan đến đường ngang dân sinh, cướp đi sinh mạng của 32 người, làm 30 người bị thương. Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, tại 2 tỉnh này đã có 6 người bị chết do đường ngang dân sinh là “thủ phạm” chính.
Theo ông Trần Đăng Lâm thì các đơn vị quản lý đường sắt trên địa bàn 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã nhiều lần ra quân xóa bỏ các đường ngang, lối đi dân sinh tự phát nhưng do chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nên sau khi lực lượng chức năng rút về, người dân lại tiếp tục san lấp mở lối đi. “Có nhiều điểm chúng tôi rào lại, xóa bỏ đường ngang dân sinh tự phát nhưng người dân lại mở lại, không thể xóa dứt điểm được”, ông Lâm cho biết.
Theo ông Vũ Đình Tuân, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Thanh Hóa, công ty này đang phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là các hành vi lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn và mở đường dân sinh trái phép. “Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng làm hàng rào, đường gom, phá bỏ đường dân sinh bất hợp pháp. Trước mắt, chúng tôi đề nghị các địa phương có đường sắt chạy qua cử người trực chốt, cảnh giới tại các đường ngang dân sinh có nguy cơ cao xảy ra tai nạn”, ông Tuân nói.
Bình luận (0)