Học viên làm căng, thầy dỏm xin trả lại tiền
Theo phản ánh của nhiều học viên học lái ô tô đang sinh sống tại một chung cư ở P.Phước Long B (TP.Thủ Đức, TP.HCM), “thầy” Phan Thanh Sang (người xác định giả danh thầy dạy lái ô tô tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp kỹ thuật nghiệp vụ Q.Đ ở TP.HCM) sau khi thu tiền có biểu hiện ăn gian giờ học, không rõ ràng lúc tư vấn và nhiều lần hẹn ngày đi thi.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, anh N. (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết qua nhóm cư dân trên Facebook, vợ anh và một số chị em đã tin tưởng đóng tiền học phí để đăng ký học lái ô tô qua “thầy” Sang. Vợ anh N. đã đóng 9 triệu đồng cho “thầy” Sang từ tháng 3.2022. Sau khi nhận tiền, người này có vài lần lái ô tô (không biển tập lái, không có thắng phụ) đến đón học viên đi tập tại các khu dân cư (KDC) như Kiến Á, Bắc Rạch Chiếc…
Đến đầu tháng 9.2022, quá thời gian cam kết để thi sát hạch lấy bằng, “thầy” Sang nhiều lần hứa hẹn nhưng không có lịch thi ở bất kỳ trung tâm, trường dạy lái nào cho vợ anh N. Vì chờ đợi quá lâu, anh N. đã gặp “thầy” Sang yêu cầu phải có thông báo ngày giờ thi sát hạch cho vợ anh, nếu không trả lại 9 triệu đồng. Do anh N. làm căng nên “thầy” Sang mới chịu trả lại 8 triệu đồng cho vợ anh N.
“Thầy dạy lái xe gì kỳ lạ quá, không cho học viên học lý thuyết, tập làm quen xe trong sa hình mà cho chạy ngoài đường, KDC đầu tiên. Không may va chạm, tai nạn giao thông thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Xưng là “thầy” mà không nắm lịch, địa điểm thi sát hạch cụ thể”, anh N. bức xúc.
“Thầy” xuống xe để học viên tập lùi trong KDC Kiến Á |
Công Nguyên |
Liên quan đến “thầy” Phan Thanh Sang, chị T. (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết nhóm chị 5 người đăng ký học lái ô tô B2 và đóng 13,5 triệu đồng/người sau lời cam kết giá trọn gói học, thi lấy bằng. Nhóm chị T. đăng ký từ tháng 4.2022 và được “thầy” Sang điều khiển ô tô (không biển tập lái, không có thắng phụ) đến điểm hẹn chở đi tập lái ở KDC một vài lần.
Đến tháng 8.2022, “thầy” Sang thông báo có địa điểm thi và bắt học viên đóng thêm 300.000 đồng tiền khám sức khỏe và chịu toàn bộ tiền đi lại từ TP.Thủ Đức lên sân tập ở H.Củ Chi. Cũng theo chị T., thời gian tập không nhiều, chỉ tập vài lần trong sa hình nên nhóm của chị lái rất yếu và lo lắng việc thi thực hành.
Khi đến gần ngày thi, nhóm của chị bắt buộc phải tự bỏ tiền túi ra thuê xe và thầy của một trung tâm dạy lái xe tại Q.Bình Thạnh để tập thêm mới cứng tay lái, nắm vững kiến thức và đã thi đậu bằng B2. “Ông Sang sau khi thu mỗi học viên 13,5 triệu đồng rồi gửi các đường link trên YouTube bắt mọi người học lý thuyết. Khi tập lái thì liên tục chửi học viên, ăn gian giờ tập thực hành của nhóm mình”, chị T. phàn nàn và cho biết thêm thi đậu bằng B2, mỗi học viên tốn tổng cộng 18 triệu đồng, cao hơn 4 triệu so với thỏa thuận ban đầu của “thầy” Sang lúc đầu.
Tương tự, anh Th. (ngụ Q.Gò Vấp) phản ánh anh đăng ký học bằng B2 tại địa điểm ghi danh nằm trên đường Khánh Hội (Q.4). Sau khi đóng tiền, trung tâm này cam kết dạy 30 giờ thực hành (trong sa hình, ngoài đường). Thế nhưng, trong quá trình học, anh Th. bị trung tâm 3 lần đổi thầy dạy thực hành và tổng số giờ thực hành mới 15 giờ. Sau khi thi đậu, anh Th. liên hệ trung tâm này yêu cầu hoàn số tiền 15 giờ tập thực hành (hơn 3 triệu đồng), nhưng họ không giải quyết. “Khi tư vấn thì thu đủ tiền của học viên, khi ăn gian giờ tập thực hành bị đòi lại thì làm lơ không giải quyết”, anh Th. nói .
“Thầy” Tuấn Anh bước xuống xe chỉ vạch sơn để 1 nữ học viên tự lui xe trong KDC Nam Rạch Chiếc |
TRẦN DUY KHÁNH |
Dễ rước họa vào thân
Học viên tên V. (ngụ Q.Bình Thạnh) kể lại với chúng tôi lần bị Thanh tra giao thông, Sở GTVT TP.HCM phát hiện khi đang tập lái trên ô tô 7 chỗ, BS 51G - 979.xx trong KDC Kiến Á (P.Phước Long B, TP.Thủ Đức). Ông V. cho biết ông đăng ký học lái xe chỗ “thầy” Võ Khắc Trung và được “thầy” cho tập lái tại các KDC.
Theo ông V., lần đầu tiên học lái xe nên chưa rành các thủ tục, khi “thầy” Trung kêu lên xe đi tập lái và cho chạy ở các KDC để làm quen xe. “Thật sự tôi không nghĩ đến những vấn đề pháp lý, liên quan đến pháp luật khi tôi không may điều khiển xe tập lái gây tai nạn với xe khác”, ông V. thừa nhận.
Tương tự, anh T.V.H (học viên đang tập lái trên ô tô tải 1,5 tấn) tại KDC Kiến Á (TP.Thủ Đức) đã bị Thanh tra giao thông xử phạt. Anh H. cho biết đã đăng ký, đóng tiền tại trung tâm P.M.H và được thầy cho đi tập lái ngoài đường. “Thầy kêu em đi tập thực hành thì em đi, chứ em không biết phải làm quen xe trong sa hình trước khi ra đường”, anh H. chia sẻ.
Học viên chưa đảm bảo các quy định mà lái ô tô thực hành rất dễ rước họa vào thân |
Trần Duy Khánh |
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Phòng CSGT (PC08), Công an TP.HCM cho biết đơn vị đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ thực hiện rà soát các cơ sở, trung tâm và trường nhận đào tạo, sát hạch thi giấy phép lái xe trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, xử lý những ô tô tập lái không đúng quy định, chạy sai tuyến đường được cấp phép. Khi phát hiện xe tập lái chạy trên đường không đảm bảo các quy định thì người bị lập biên bản xử phạt đầu tiên là học viên đang cầm vô lăng (lỗi không có bằng lái), tiếp sau đó người đứng tên chủ xe (lỗi giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe) và kế đến là những lỗi vi phạm tiếp theo nếu phát hiện được. “Xe tập lái ngoài đường nếu không đảm bảo được các điều kiện an toàn (như xe có thắng phụ, thầy ngồi bên cạnh…). Khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông, người học viên cầm lái sẽ chịu hoàn toàn trước pháp luật vì hậu quả mình gây ra”, lãnh đạo PC08 cảnh báo.
Theo ông Đỗ Quang Dũng (Đội trưởng Đội thanh tra hành chính thuộc Thanh tra giao thông, Sở GTVT TP.HCM), hiện xuất hiện nhiều cơ sở treo biển nhận đăng ký, tư vấn, đào tạo, sát hạch thi lái xe với giá rất rẻ và bao đậu 100% để thu hút người học. Thế nhưng, các cơ sở này đều núp bóng giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở KH-ĐT cấp để hoạt động chui trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe. Sau khi nhận hồ sơ, thu tiền học viên sẽ bàn giao cho các “thầy” dạy thực hành, lý thuyết học online. Các cơ sở này có quan hệ với trung tâm, trường (được cấp phép dạy lái xe) nên dễ dàng nộp hồ sơ học viên của mình vào để thi sát hạch cấp bằng. “Việc này sẽ không đảm bảo chất lượng trong công tác học lái xe, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho chính người học và những người xung quanh”, ông Dũng nói.
Nhân viên tại Trung tâm Thiên Tâm (số 77 Lê Văn Việt, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức - được xác định làm chui và giả mạo) đang thuyết phục PV nộp hồ sơ để học lái xe |
Trần Duy Khánh |
Về vấn đề này, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM), cho rằng hiện đơn vị này đang quản lý, giám sát 80 trung tâm, trường đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe. Những trung tâm, trường nói trên đạt các tiêu chuẩn, quy định và được cơ quan chức năng cấp phép trong hoạt động dạy, sát hạch để cấp bằng lái xe. Để tránh tiền mất, rước họa vào thân, người dân có nhu cầu học lái xe liên hệ với 80 trường, trung tâm (địa chỉ, số điện thoại có đăng công khai trên trang web của Sở GTVT) để đăng ký học. Những nơi được cấp phép sẽ đảm bảo các quy định, trình tự trong việc học lý thuyết, thực hành và thi sát hạch, để học viên sau khi lấy bằng có thể lái xe an toàn cho bản thân và cho người khác.
(còn tiếp)
Hiểm họa từ ô tô tập lái 'chui'
Bình luận (0)