Và đặc biệt khi phần lớn người sử dụng là các em học sinh, sinh viên.
Rất nhiều trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra thời gian qua đều liên quan đến xe đạp điện hoặc xe máy điện, nạn nhân có tuổi đời còn rất trẻ. Thậm chí, có trường hợp còn rất nhỏ, như cháu N.H.L ở Hà Nam, mới 11 tuổi, đi học bằng xe đạp điện bị ngã xe, va vào ô tô bên cạnh, dẫn tới chấn thương sọ não.
Một nghiên cứu độc lập của Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy VN cho thấy, đa số học sinh THPT lựa chọn xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện đi lại hằng ngày. Nhưng tỷ lệ tai nạn giao thông với học sinh liên quan đến loại phương tiện này cũng ở mức rất cao, mà nguyên nhân phần lớn do các em thiếu những kiến thức, kỹ năng cơ bản khi điều khiển phương tiện. Học sinh THPT chiếm 90% các vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong 3 năm gần đây. Trong khi đó, có tới 52% học sinh THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và 7% đi xe máy trái phép.
Một phần lý do tai nạn trong lứa tuổi học sinh trung học tăng cao vài năm trở lại đây có lẽ bắt nguồn từ việc thay đổi phương tiện từ đi bộ, xe đạp sang xe máy điện, xe đạp điện, cũng như sự bùng nổ số lượng các loại phương tiện này. Cũng theo tính toán của nhóm nghiên cứu, có tới 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT do xe máy điện và xe đạp điện. Theo thống kê, tỷ lệ sở hữu xe đạp điện với các gia đình có học sinh cấp 3 là 0,35 xe/hộ, xe máy điện là 0,33 xe/hộ. Ước tính, có khoảng hơn 200.000 xe đạp điện và máy điện lưu hành tại Hà Nội, chỉ xét riêng các hộ gia đình có con trong lứa tuổi THPT.
Trên cả nước, tỷ lệ này có lẽ nhiều không kém, bởi đi bất kỳ tỉnh thành nào cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các em học sinh phóng vun vút trên xe máy điện hoặc xe đạp điện, thậm chí không mũ bảo hiểm.
Cần sớm siết tốc độ, cấp chứng chỉ
Trên thực tế, xe đạp điện khi đưa vào thị trường được các nhà sản xuất khống chế tốc độ ở mức 25 km/giờ, đảm bảo an toàn vận hành cho người điều khiển. Nhưng không hiếm trường hợp “độ xe”, thay đổi kiểu dáng, nâng tốc độ, thậm chí lên 40 -45 km/giờ, ngang xe máy, gây nguy hiểm không chỉ cho các em học sinh mà cả những người tham gia giao thông.
Mặt khác, việc thiếu kỹ năng trong điều khiển phương tiện, chạy xe quá tốc độ, chuyển hướng, chuyển làn không đúng cách... là các nguyên nhân gây nguy cơ tai nạn cao. Phổ biến là tình trạng không đội mũ bảo hiểm, đeo tai nghe, phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí chở 3. Điều này xuất phát từ tỷ lệ lớn các em chưa được trang bị những kiến thức cơ bản và kỹ năng điều khiển đúng cách. Chưa kể các chương trình dạy về an toàn giao thông được giảng dạy trong các trường hiện nay vẫn chỉ ở lý thuyết và khá khô khan.
Đây cũng là lý do Ủy ban ATGT kiến nghị cần xây dựng quy định về đào tạo kỹ năng lái xe đạp điện, máy điện và cấp chứng chỉ cơ bản điều khiển phương tiện cho học sinh. Hiện luật Giao thông đường bộ chưa quy định độ tuổi thấp nhất được điều khiển xe đạp điện, máy điện. Thực tế, học sinh từ 11 - 15 tuổi đã sử dụng loại phương tiện này, trong khi theo kinh nghiệm quốc tế, độ tuổi được phép đi xe đạp điện, xe máy điện phải từ 16 tuổi trở lên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc xử phạt nghiêm các hành vi sai quy định như không đội mũ bảo hiểm, phóng quá tốc độ, quy định độ tuổi cần thiết được phép sử dụng xe máy điện, đạp điện, cần sớm đẩy nhanh việc đào tạo cũng như cấp chứng chỉ cho người đi xe điện. Bởi sự bùng nổ phương tiện này trong khi quản lý vẫn còn lỏng lẻo đang là mối nguy rất lớn mất an toàn giao thông và tăng cao nguy cơ tai nạn.
Bình luận (0)