Hiếm muộn từ nam giới

15/02/2013 03:10 GMT+7

Nhiều nghiên cứu, khảo sát thời gian qua trong nước cho thấy tỷ lệ tinh dịch đồ bất thường ở các cặp vợ chồng hiếm muộn là rất cao - bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, cho biết như vậy.

Cụ thể, khảo sát trên 396 mẫu tinh dịch đồ lấy từ người chồng trong các cặp vợ chồng hiếm muộn đến chữa trị tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) năm 2002 cho thấy có 78% mẫu tinh dịch đồ bất thường ở ít nhất 1 trong 3 chỉ số chính. Sau khi các trung tâm hỗ trợ sinh sản trong nước triển khai thực hiện tinh dịch đồ theo tiêu chuẩn của WHO 2010, một loạt các nghiên cứu từ các trung tâm hỗ trợ sinh sản như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, IVFAS, IVF Vạn Hạnh, với cỡ mẫu lớn hơn đã cho thấy tỷ lệ bất thường tinh dịch đồ ở các cặp vợ chồng hiếm muộn trong nước có xu hướng tăng lên.

Tiếp sau đó, khảo sát trên 4.060 tinh dịch đồ (lấy từ các cặp vợ chồng hiếm muộn) thì có 85,4% mẫu có bất thường. Một khảo sát khác vào năm 2011 trên 10.506 mẫu tinh dịch đồ thì có 94,9% mẫu có bất thường. Một khảo sát khác năm 2012, trên 752 mẫu tinh dịch đồ (lấy từ các cặp vợ chồng hiếm muộn) thì 90,3% mẫu có sự bất thường.

Điều đó cho thấy hiếm muộn ở nam giới do bất thường về tinh trùng là rất phổ biến và có xu hướng gia tăng. Theo nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế công bố, gần 8% các cặp vợ chồng ở trong nước bị hiếm muộn. Như vậy, mỗi năm trong nước có hơn 1 triệu cặp vợ chồng gặp vấn đề về hiếm muộn. Với tỷ lệ bất thường tinh trùng như trên, chúng ta có thể có khoảng 1 triệu nam giới bị hiếm muộn có liên quan đến suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.

Những yếu tố tác động

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho biết, nghiên cứu mới đây của Khoa Y (Đại học Quốc gia TP.HCM) xác định được nồng độ các gốc ô xy hóa hiện diện trong tinh dịch. Kết quả cho thấy gốc ô xy hóa có xu hướng tăng cao trong các mẫu tinh trùng bất thường. Các chuyên gia cho rằng, đây có thể là một trong những cơ chế quan trọng gây vô sinh nam ở trong nước. Khi các gốc ô xy hóa quá cao trong tinh dịch sẽ làm tổn thương các tế bào tinh trùng. Sự gia tăng gốc ô xy hóa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: nhiệt độ môi trường sống, từ trường, phóng xạ, thuốc trừ sâu, ô nhiễm môi trường, rượu, thuốc lá, căng thẳng tinh thần, béo phì, chế độ ăn không hợp lý, nhiễm trùng, miễn dịch và do các bệnh mạn tính... Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng số lượng và chất lượng tinh trùng giảm dần trong vài chục năm qua và gốc ô xy hóa được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này.

Ở trong nước, các yếu tố gây tăng các gốc ô xy hóa như đã kể trên là khá phổ biến. Các gốc ô xy hóa có thể gây vô sinh nam theo 2 cơ chế: gây tổn thương màng tinh trùng, từ đó làm giảm khả năng di động và khả năng thụ tinh của tinh trùng; gây tổn thương ADN của tinh trùng dẫn đến giảm khả năng thụ tinh và ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi sau khi thụ tinh. Do đó, các gốc ô xy hóa có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của phôi và thai nhi sau này.

Thanh Tùng

>> Bất ngờ về vô sinh
>> Thế giới có gần 50 triệu cặp vợ chồng vô sinh
>> Nguy cơ vô sinh khi làm việc trên quỹ đạo
>> Hết ham muốn vì chứng kiến cảnh vợ sinh con
>> Nữ chiếm 40% trong số các cặp vợ chồng vô sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.