Hiểm nguy rình rập người dân trên những cầu treo xuống cấp

18/05/2018 14:41 GMT+7

Nhiều cầu treo ở địa bàn tỉnh Kon Tum đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng nhưng người dân vẫn phải đi lại vì không còn chọn lựa nào khác.

Cầu treo Đăk Chung ở TT.Đăk Glei (H.H.Đăk Glei, Kon Tum) bắc ngang sông Pô Kô là cây cầu nối giữa hai thôn Đăk Chung trong và Đăk Chung ngoài. Cầu treo này được làm bằng sắt nhưng nhiều đoạn, trong đó có đoạn dài đến vài mét, không có lan can.
Chưa hết, một số chỗ trên cầu treo Đăk Chung bị bong vết hàn, cả đoạn lan can cầu bị rời khỏi thân, treo lủng lẳng. Mỗi khi có người đi qua, cầu rung bần bật. Từ mặt cầu đến mặt nước cao khoảng 10m nên nhiều người đi qua cầu treo Đăk Chung trong tâm trạng "vừa đi vừa run".
Một đoạn dài trên cầu treo Đăk Chung ở TT.Đăk Glei mất hết lan can Ảnh: P.A

Ông Nghiêm Minh Hiệu, Chủ tịch UBND TT.Đăk Glei, cho biết cầu treo Đăk Chung hư hỏng đã 2 - 3 năm nay, lan can cầu bị hỏng là do xe máy cày đi qua lại tông vào. Qua kiểm tra, phần lan can bị hư hỏng chiếm 1/3 chiều dài của cầu, ông Hiệu cho biết thêm.

Cầu treo của người dân đi làm rẫy Ảnh: H.N
Một cầu treo nguy hiểm ở xã Mường Hoong, H.Đăk Glei Ảnh: H.N

Ngoài cầu treo Đắk Chung, cầu treo thôn Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pét (H.Đăk Glei) đã nhiều lần được thay sàn gỗ qua cầu nhưng nay cầu đã bị nghiêng, rất nguy hiểm. Thế nhưng cả hai cầu treo đều không có cảnh báo nào cho người dân khi qua cầu.

Chủ tịch UBND TT.Đăk Glei cho biết thêm TT.Đăk Glei có 17 cầu treo bắc qua sông, suối bị hư hỏng. Trong số này, 11 cầu treo là do dân tự đóng góp làm, chính quyền hỗ trợ, còn  6 cầu sắt do các chương trình, dự án tài trợ. Nhiều cầu treo được làm đã nhiều năm nhưng không được đầu tư mới.

Cũng theo ông Hiệu, những cầu treo nói trên, cái thì hư lan can, cái thì gỗ lát mặt cầu đã hỏng nặng, đinh đóng cầu trồi lên, mặt cầu bị nghiêng, rung lắc mạnh.

UBND H.Đăk Glei cho biết trước mùa mưa năm nay bố trí 1 tỉ đồng để sửa chữa cầu treo trên địa bàn bị hư hỏng, tập trung sửa 44 cầu treo xuống cấp nhất ở TT.Đăk Glei và các xã Đăk Choong, Xốp, Mường Hoong, Đăk Long.

Ông Phan Mười, Phó giám đốc Sở GT-VT tỉnh Kon Tum, cho biết cả tỉnh Kon Tum có rất nhiều cầu treo không bảo đảm an toàn, nhất là những cầu treo do người dân tự làm để "thông đường" qua rẫy sản xuất. Những cầu treo này bi hư hỏng, nguy hiểm nhưng do không có kinh phí sửa chữa nên người dân vẫn phải sử dụng để đi lại.

Sở GT-VT tỉnh Kon Tum đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương sử dụng lồng ghép các nguồn vốn để sửa chữa cầu treo nói trên, ông Mười cho biết. Những nơi cầu treo quá xuống cấp thì cắm biến cấm đi lại, còn những cầu treo khác thì cắm biến cảnh báo để người dân biết.

Theo ông Mười, toàn tỉnh Kon Tum hiện có khoảng hơn 290 cầu treo thì có đến 110 chiếc cầu treo không bảo đảm an toàn, trong đó có hơn 80 cầu treo mà người dân đi lại hàng ngày. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.