HÀNG CHỤC HỘ DÂN HIẾN ĐẤT
Theo thống kê, giai đoạn 2011 - 2020, xã miền núi Sơn Bua có 50 hộ dân tự nguyện hiến đất với diện tích gần 40.000 m2. Từ năm 2020 - 2023 có thêm 5 hộ tham gia hiến đất với diện tích gần 12.000 m2 để xây dựng các công trình công cộng, làm đường bê tông nông thôn, trường học, nhà văn hóa… Phong trào tự nguyện hiến đất đã lan rộng trên toàn địa bàn và xã Sơn Bua trở thành địa phương đi đầu của H.Sơn Tây trong việc làm cao đẹp này.
Đơn cử như ông Đinh Văn Nhân (ở thôn Nước Tang) không ngần ngại hiến hơn 180 m2 đất để làm sân bóng đá cho trẻ em trong làng vui chơi. Ông Nhân cho biết mảnh đất này trước kia gia đình ông trồng chuối, cau, mỗi vụ cũng thu được khoảng 2 triệu đồng. Sau đó, thấy trẻ em trong làng không có khu vui chơi nên ông hiến đất để làm mặt bằng tạo một sân bóng nhỏ. "Tôi rất vui vì việc làm của mình đã mang đến niềm vui cho trẻ em và nhiều người dân trong làng", ông Nhân bày tỏ. Còn các ông Đinh Văn Đôi, Đinh Văn Thuộc và Đinh Văn Que (cùng ở xã Sơn Bua) đã hiến hơn 1.000 m2 đất trồng keo, cau để xây dựng nhà bán trú, khu vui chơi thể thao cho Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Sơn Bua nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và vui chơi, giải trí của học sinh.
Ông Đinh Văn Que chia sẻ: "Thấm thía những thiệt thòi và nhọc nhằn của việc không biết chữ, người dân chúng tôi tự nguyện hiến đất để làm khu vui chơi, xây trường học, làm đường. Bây giờ diện mạo nông thôn ở phía đông dãy Trường Sơn đã thay đổi nhiều. Tôi rất vui".
Để ghi nhận nghĩa cử hiến đất xây dựng công trình công cộng, phục vụ đời sống dân sinh của người dân xã Sơn Bua, trong các năm 2014, 2015, 2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tặng bằng khen cho những hộ dân này.
"VIỆC GÌ CÓ LỢI CHO DÂN THÌ LÀM"
Với tinh thần cán bộ, đảng viên tiên phong, ông Cao Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, hiến gần 2.000 m2 đất để làm đường từ xóm Ông Me đi khu dân cư Nước Toa (thôn Mang He, xã Sơn Bua). "Cán bộ, đảng viên, già làng đi đầu trong việc hiến đất rồi đến người dân cùng tham gia. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Hiến đất mở đường để thuận lợi cho vận chuyển nông sản, gỗ keo, cây cau nên ai cũng đồng tình", ông Chung nói.
Ông Huỳnh Văn Thành, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Sơn Bua, cho biết nhà trường hiện có 7 phòng bán trú, trong đó có 4 phòng do người dân hiến đất để xây dựng. "Nhiều học sinh ở các thôn xa, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, nguy hiểm đến tính mạng. Khi được người dân hiến đất xây dựng nhà bán trú cho học sinh, các em đã đến trường học đầy đủ hơn, an tâm học tập cho đến khi kết thúc năm học", ông Thành nói.
Ông Cao Văn Chung cho biết địa phương hiện có tỷ lệ hộ nghèo đến hơn 65%, đứng thứ 2 của H.Sơn Tây, thế nhưng người dân địa phương đều đồng lòng hiến đất để góp phần xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu mỗi năm một giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Trân, Chủ tịch UBND H.Sơn Tây, cho biết để tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về phong trào hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, nhà văn hóa, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. "Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền xã Sơn Bua đã làm rất tốt công tác dân vận. Phong trào hiến đất, mở đường, xây trường, làm nhà văn hóa ở xã Sơn Bua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Những tuyến đường bê tông nông thôn được xây dựng mới giúp người dân đi lại thuận tiện, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Trân nói.
Bình luận (0)