Hiền Hồ bị hủy show: Đến lúc khán giả Việt nên dùng quyền ‘phong sát’ nghệ sĩ?

21/11/2022 12:19 GMT+7

Vụ việc Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM phải gạch tên ca sĩ Hiền Hồ khỏi buổi biểu diễn vào phút chót vì nhiều sinh viên phản ứng mới đây như một hồi chuông cảnh tỉnh dành cho nghệ sĩ vướng bê bối về đời tư, đồng thời thể hiện ‘quyền lực’ mạnh mẽ của công chúng.

Hiền Hồ bị sinh viên tẩy chay nên phía Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM phải gạch tên cô khỏi buổi biểu diễn hôm 19.11

tL

Scandal lộ ảnh thân mật của ca sĩ Hiền Hồ với một người đàn ông đã có gia đình vào giữa tháng 3.2022 vẫn chưa lắng xuống sau một thời gian giọng ca Có như không có tạm dừng hoạt động ca hát. Sau nhiều lần bị công chúng lạnh nhạt, tên của nữ ca sĩ gốc Đắk Lắk tiếp tục bị gạch khỏi danh sách ca sĩ biểu diễn trong sự kiện chào đón tân sinh viên hôm 19.11 của Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM do bị sinh viên phản ứng. Họ cho rằng không thể nghe và xem một ca sĩ thị phi như Hiền Hồ. Việc giới trẻ “tẩy chay” cô và bất ngờ nhận được nhiều sự hưởng ứng của cộng đồng mạng. Nhiều bình luận viết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của các sinh viên, cảm ơn các bạn đã nhận thức được sự việc”, “Tấm gương xấu cho giới trẻ, tẩy chay là đúng rồi”...

Hiền Hồ với diện mạo khác lạ trong họp báo của Ngô Kiến Huy hôm 14.11

BTC

Trước nay, giới nghệ sĩ Việt vướng vào lùm xùm, thị phi rất nhiều, không chỉ ồn ào đời tư mà cả những vấn đề về phát ngôn, quyên góp từ thiện..., nhưng mẫu số chung đều bị "chìm xuồng" sau thời gian ngắn. Khi mọi chuyện lắng xuống, họ vẫn quay trở lại hoạt động nghệ thuật như “chưa hề có chuyện gì xảy ra”. Dù hình ảnh bị ảnh hưởng đôi chút nhưng các nghệ sĩ ấy vẫn thản nhiên ca hát, đóng phim, lên sâu khấu biểu diễn, giao lưu...

Ông bà ta có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” nói về lòng khoan dung của người Việt, vô tình là chỗ dựa cho nhiều nghệ sĩ vi phạm đạo đức lối sống, ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ.

Hiền Hồ gây bức xúc khi trả lời một khán giả trên trang cá nhân sau khi bị hủy show: “Có sao đâu em” như một kiểu thách thức...

chụp màn hình

Trong khi đó ở nhiều nước Đông Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc... có nền giải trí phát triển mạnh, mỗi khi nghệ sĩ vướng vào scandal sẽ đối mặt với hậu quả nặng nề, hầu như “không có đường quay trở lại” bởi sự tẩy chay mạnh mẽ của công chúng và sự trừng phạt của cơ quan quản lý. Nhiều người đã phải từ bỏ sự nghiệp vì cả fan và nhãn hàng quay lưng, cơ quan quản lý "phong sát".

Sự việc Hiền Hồ mới đây giúp khán giả có niềm tin họ thực sự có quyền lực, để mạnh dạn điều chỉnh lối sống, ứng xử của nghệ sĩ khi đi sai đường. "Chúng ta cần và nên tẩy chay những nghệ sĩ không chuẩn mực đạo đức”, “Việt Nam nên tập "phong sát" nghệ sĩ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Có như vậy nghệ sĩ mới không tự đắc như bây giờ”, cùng nhiều bình luận khác cho rằng đã đến lúc khán giả Việt không nên dễ dãi với nghệ sĩ như trước.

Khác với những ý kiến đồng tình trước phản ứng của các bạn sinh viên thì cũng có một vài người cho rằng không nên bày tỏ thái độ tẩy chay thái quá như vậy: “Làm gì mà ác ý với em ấy như vậy. Con người ai mà không có sai lầm. Phản ứng hơi bị thái quá”; “Sinh viên không thích nghe Hiền Hồ hát thì người khác vẫn thích nghe Hiền Hồ hát, có sao đâu? Số lượng sinh viên trên cả nước đâu có nhiều lắm đâu?", "Chuyện bình thường, xã hội đầy rẫy những chuyện thị phi như thế này rồi. Bạn không thích nghe thì người khác người ta nghe thôi! Nghe hay không là quyền của mỗi người”... Hoặc có ý kiến khoan dung kiểu như: "Lẽ ra ngay từ đầu trường không nên mời Hiền Hồ. Ở môi trường giáo dục, đạo đức luôn là yếu tố được đề cao bậc nhất. Tri thức suy cho cùng cũng là giúp con người nâng cao nhận thức và phân biệt phải trái đúng sai. Trường đưa một người mà mới đầu năm nay vừa có những lùm xùm đời tư, vi phạm đạo đức vào chương trình chào mừng tân sinh viên thì bị phản ứng là đúng rồi. Không chỉ sinh viên mà ngay cả gia đình các sinh viên cũng không muốn để con em của họ thưởng thức nghệ thuật từ những nghệ sĩ có vết nhơ đạo đức. Hiền Hồ nên dành thêm một hai năm, sống chậm lại, suy xét cặn kẽ, làm những điều có ích, đừng vội vàng quay lại showbiz chỉ phản tác dụng mà thôi. Hãy cho bản thân em thời gian để làm lại một người tốt và cũng là thể hiện sự tôn trọng khán giả, để khán giả có đủ thời gian để tiếp nhận lại một Hiền Hồ chín chắn hơn”.

Có thể thấy việc nhận sai, xin lỗi của nghệ sĩ trước công chúng nhằm xoa xịu làn sóng phẫn nộ, bất bình của dư luận vẫn chưa đủ. Bởi ngoài trách nhiệm công dân, họ còn có trách nhiệm là người của công chúng, có sự ảnh hưởng nhất định đến người hâm mộ. Đã đến lúc, cần quyết liệt và rạch ròi hơn trước những sai phạm mà người của công chúng gây ra.

Xin được tóm lại bằng câu nói của NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trước thực trạng một số nghệ sĩ vi phạm đạo đức, có lối sống lệch chuẩn gây ảnh hưởng đến danh hiệu nghệ sĩ: “Các cơ quan quản lý nghệ sĩ, cơ quan chức năng nơi nghệ sĩ hoạt động cần sát sao hơn để xử lý kịp thời những vi phạm, góp phần làm trong sạch đời sống nghệ thuật và đưa hoạt động nghệ thuật về đúng nghĩa phục vụ nhân dân".

Ca sĩ Hiền Hồ bị hủy show: Đại diện trường đại học nói gì?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.