Hiến kế phòng chống tham nhũng: Ngăn ‘tham nhũng chính sách’

02/07/2018 05:18 GMT+7

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng hiện nay các dự án luật đều do một bộ cụ thể dự thảo nên việc tìm cách để đưa vào luật những lợi ích cục bộ cho bộ, ngành mình là khó tránh khỏi.

Quy trình làm luật đang tạo kẽ hở cho những hành vi mà người ta vẫn gọi là “tham nhũng chính sách”.
Cài cắm lợi ích nhóm ngày càng nhiều
Theo nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH), tham nhũng thông qua việc xây dựng chính sách, cơ chế không phải là vấn đề mới, trước đây đã từng có nhưng mức độ nhất định. Tuy nhiên, càng về sau này, việc cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật ngày càng nhiều hơn.
Có lẽ chúng ta phải xem xét lại, từ một chủ trương có thể là cần thiết nhưng phải lấy ý kiến để triển khai thế nào cho hiệu quả, nhất là những vấn đề mới, lớn, cần phải có sự đồng thuận của nhân dân
Ông Vũ Mão, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Ông Mão dẫn chứng, luật Đất đai là một trong những biểu hiện tham nhũng cơ chế lớn nhất từ trước tới nay khi các quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội không rõ, nhất là quy định về giá thu hồi đất. “Giá thu hồi rất thấp, nhất là đất nông nghiệp, trong khi đó, nhà đầu tư bất động sản, xây dựng nhà cửa thì bán với giá cao hơn rất nhiều lần, lợi nhuận rất cao. Những người ra quyết định thu hồi đất có thể được các doanh nghiệp “lại quả” rất lớn. Tình trạng này dẫn đến tỷ lệ khiếu kiện trong thời gian qua 70 - 80% là khiếu kiện đất đai, sinh ra bất ổn trong xã hội”, ông Vũ Mão nói.
Có cách nào để giải quyết tình trạng này không, thưa ông?
Cơ sở xây dựng pháp luật của chúng ta phải vững chắc hơn, quy trình làm luật phải đổi mới hơn. Hiện mỗi dự án luật đều do một bộ cụ thể dự thảo mà các bộ, ngành quản lý nhà nước thì bao giờ cũng muốn bộ, ngành mình quản lý dễ hơn, nên việc người ta tìm cách để đưa vào luật những lợi ích cục bộ cho bộ, ngành mình là đương nhiên. Bên cạnh đó, quy trình làm luật của chúng ta hiện nay vẫn chưa phát huy dân chủ cao nhất trong xã hội. Nhiều vấn đề liên quan, đụng chạm tới quyền lợi của nhiều người thì hiện chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng để họ tham gia góp ý, phản biện.
Cần phải có nghiên cứu để có đổi mới bắt đầu từ quy trình xây dựng pháp luật. Chẳng hạn, lâu nay, chúng ta bắt đầu từ đường lối, chủ trương của Đảng, sau đó mới triển khai thành chính sách, pháp luật của nhà nước. Có lẽ chúng ta phải xem xét lại, từ một chủ trương có thể là cần thiết nhưng phải lấy ý kiến để triển khai thế nào cho hiệu quả, nhất là những vấn đề mới, lớn, cần phải có sự đồng thuận của nhân dân. Công tác lập pháp hiện nay được dư luận rất quan tâm nên không thể suy nghĩ và cách làm đơn giản như trước đây được.
Còn nhiều việc phải đổi mới trong công tác lập pháp
Nhiều người “ghi công” ông trong nỗ lực đổi mới hoạt động lập pháp, giám sát của QH, đặc biệt là việc làm cho hoạt động QH công khai và dân chủ hơn, để người dân có thể giám sát. Vậy theo ông, đến nay, hoạt động của QH còn có thể cải thiện ở những điểm nào để loại trừ hiện tượng “tham nhũng chính sách” chúng ta đang bàn tới?
Theo tôi, trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, QH là một trong những cơ quan tiên phong trong đổi mới về chính trị và có những bước đi vững chắc, đặc biệt là trong vấn đề dân chủ, công khai, minh bạch. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên chúng ta phát thanh và truyền hình trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn ở QH vào năm 1994. Trước đấy, không ít ý kiến phản đối việc này, cho rằng dễ làm lộ bí mật quốc gia và làm mất uy tín của lãnh đạo. Nhưng thực tiễn đã chứng minh hùng hồn, đây là việc làm rất đúng.
Tuy nhiên, hiện nay, tôi vẫn đánh giá sự đổi mới của QH chỉ mới đạt được 30% thôi. Nhiều người sẽ ngạc nhiên về nhận xét này, nhưng như tôi đã nói, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, phải đổi mới trong hoạt động của QH, nhất là công tác lập pháp mà như trên tôi đã chia sẻ ít nhiều. Tôi có nghe một số người phê phán QH hiện nay vẫn còn hình thức. Bản thân là người trong cuộc, mấy chục năm gắn bó với công việc tại QH, nghe cũng tự ái nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì tôi thấy đúng.
Giờ đây, người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng pháp luật. Trước đây, QH thông qua cái gì thì gần như chỉ QH biết nhưng bây giờ người dân quan tâm rất sâu, rất kỹ. Đây là xu hướng rất tốt và nó cũng đặt ra đòi hỏi trí tuệ của đại biểu QH phải cao hơn. Vì vậy, vấn đề bây giờ là phải nhìn lại việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của QH như thế nào, từ đó đánh giá về cơ cấu, thành phần, chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp của hoạt động QH. Đây đều là những vấn đề lớn cần phải thảo luận rất kỹ.
Ngay cả chuyện bầu cử ở QH, liệu có nên duy trì cách bầu như hiện nay không? Tôi còn nhớ sự kiện bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại kỳ họp giữa năm 1988, ngoài đồng chí Đỗ Mười được giới thiệu thì QH đã giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt để có tranh cử. Ở lần đó tôi cho là xử lý của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Bộ Chính trị là hợp lý khi chấp nhận ý kiến của các đại biểu QH, có sự tranh cử của 2 ứng viên. Rất tiếc là nhận thức về sự kiện có ý nghĩa ấy chỉ là giải pháp xử lý tình huống, như một cơn gió mát thoảng qua.
Nhiều người cho rằng, cơ chế đại biểu kiêm nhiệm, cử tri chuyên nghiệp như hiện nay đang làm hỏng chất lượng, hiệu quả trong các hoạt động của QH. Ông có nghĩ như vậy không?
Từ trước tới nay tôi là người luôn đề xuất đổi mới phương án bầu cử sao cho thực chất. Vấn đề quan trọng nhất là tạo động lực cho người dân quan tâm và có thực quyền trong bầu cử. Cơ chế hiện nay, pháp luật hiện nay trong bầu cử còn nhiều khiếm khuyết. Đây là vấn đề lớn cần phải cải tiến để đại biểu QH phải thực sự xứng đáng, ý thức được trách nhiệm của mình và hoạt động hiệu quả, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cần phải kiểm tra, kiểm soát, đòi hỏi cao hơn đối với văn phòng QH, các ủy ban của QH cho tới các vụ giúp việc cho các ủy ban. Chúng ta chất vấn, giám sát các bộ trưởng, trưởng ngành, quy trách nhiệm rõ ràng nhưng bên QH thì kiểm điểm thế nào, đánh giá ra sao. Một vụ việc xảy ra liên quan tới ngành nào đó thì bộ trưởng, trưởng ngành có trách nhiệm nhưng liệu chủ nhiệm các ủy ban thuộc lĩnh vực đó có trách nhiệm phần nào không? Phó chủ tịch QH phụ trách lĩnh vực đó có trách nhiệm không? Hay cụ thể một dự án luật chưa tốt, phải dừng lại để thay đổi thì trách nhiệm của Ủy ban QH thẩm tra dự án luật như thế nào? Cái dở của chúng ta là khi có hậu quả xảy ra chưa quy được trách nhiệm cho một người cụ thể.
Bài vở cộng tác, xin gửi về địa chỉ Báo Thanh Niên (268 -270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) hoặc email: [email protected], ghi rõ gửi chuyên mục Hiến kế phòng chống tham nhũng. Ngoài bút danh, tác giả cần nêu rõ địa chỉ và điện thoại để tòa soạn tiện liên lạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.