Hiến kế phục hồi và phát triển du lịch

26/12/2021 07:56 GMT+7

Nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp… đã tham gia thảo luận, hiến kế tại Hội thảo “ Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 25.12, tại Nghệ An.

Tham dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn…

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự tại điểm cầu Trụ sở Văn phòng Chính phủ.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại TX.Cửa Lò (Nghệ An) và kết nối trực tuyến với điểm cầu tại Văn phòng Chính phủ và 19 điểm cầu trên cả nước; được khai mạc sáng cùng ngày.

Hội thảo đã thu hút đông đảo nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch

K.Hoan

Gỡ khó để phục hồi du lịch

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh ngành du lịch được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, 2 năm qua, do đại dịch Covid-19, du lịch VN phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu. Đến nay, tuy dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, các hoạt động du lịch quốc tế phải đóng cửa hoàn toàn. Du lịch nội địa hoạt động cũng hết sức cầm chừng. Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỉ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Năm 2021, tình hình càng tồi tệ hơn, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

“Các quy định giãn cách phòng chống dịch, đóng cửa các điểm tham quan du lịch và dừng hầu hết các dịch vụ cung ứng du lịch làm chuỗi dịch vụ đứt gãy nghiêm trọng”, ông Việt nói. Năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% DN đóng cửa. Năm 2021, lượng DN lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động. Lĩnh vực lưu trú chiếm 46% trong cơ cấu tổng thu của ngành du lịch VN cũng phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phát biểu tại hội thảo

Covid-19 sáng 26.12: Cả nước 1.636.455 ca nhiễm | Vẫn còn những “tin đồn nhảm” về vắc xin

Tránh tình trạng “quay xe chính sách”

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, những hoạt động du lịch đã dần được khởi động lại. Từ cuối tháng 11, VN đã thí điểm đón khách quốc tế theo hộ chiếu vắc xin. Đây là tín hiệu tốt để ngành du lịch phục hồi.

Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng muốn phục hồi du lịch, thì phải mở cửa đất nước, mở cửa hàng không, không thể cách ly với khách. “Chúng ta chỉ theo dõi sức khỏe của khách thôi, còn nếu cứ cách ly thì không ai đến”, ông Siêu nói. Ông Siêu cũng đề nghị các ngành, các địa phương phải thực hiện đồng bộ, nhất quán trong công tác chống dịch và đón du khách để không gây khó cho du khách.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, chia sẻ Chính phủ cần coi DN là đối tác, chính sách hỗ trợ cần thủ tục thông thoáng. Ông Kỳ kiến nghị cần có chính sách giảm 50% thuế thu nhập DN năm 2021, tiếp tục giảm 30% cho các năm 2022, 2023 cho các DN có tổng thu dưới 200 tỉ đồng; giảm 50% thuế VAT cho 3 tháng cuối năm 2021 và các năm 2022 và 2023; giảm lãi suất vay để không cao hơn 3% so với lãi suất huy động đối với các DN du lịch.

Tương tự, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, kiến nghị Chính phủ sớm triển khai quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia để hỗ trợ các DN du lịch; sớm cho phép TP.HCM đón khách quốc tế theo hộ chiếu vắc xin. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, cũng cho rằng Chính phủ cần tính lại và điều chỉnh các loại thuế phí cho DN...

Về chính sách trong điều kiện mới, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng cần nhất quán, tránh tình trạng “quay xe chính sách” khiến các kế hoạch đầu tư, hoạt động của DN bị đổ vỡ, gây lãng phí. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hà Nội Tourist, cũng cho rằng cần sớm tạo sự nhất quán giữa các địa phương trong việc mở cửa, tạo sự đi lại dễ dàng và tạo ra những tuyến du lịch an toàn với 2 - 3 điểm đến...

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết các tham luận, ý kiến sẽ được tổng hợp báo cáo và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ những cơ chế chính sách và giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn để phục hồi kinh tế; kiến nghị Quốc hội nghiên cứu các nội dung đề xuất để xem xét, thảo luận về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH giai đoạn 2022 - 2023.

Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao đã công nhận hộ chiếu vắc xin đối với 77 quốc gia. Từ ngày 1.1.2022, du khách nhập cảnh, đã tiêm đủ vắc xin, cần có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ và phải khai báo y tế. Người đã tiêm 2 mũi vắc xin theo dõi 3 ngày tại nơi lưu trú. Khách chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin vẫn phải cách ly 7 ngày, trong thời gian cách ly sẽ được tiêm vắc xin miễn phí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.