"Giảm số lượng, tập trung nâng cao chất lượng"
Phát biểu thảo luận, anh Phạm Quang Khoát (35 tuổi, Chủ tịch Hội thanh niên khuyết tật TP.Hà Nội) cho biết, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã và đang là "mái nhà chung", là nơi kết nối, cổ vũ và lan tỏa tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của các bạn trẻ, trong đó có thanh niên khuyết tật.
Để Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thực sự là tổ chức tập hợp và đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên, anh Khoát đề xuất cần xây dựng các chương trình hỗ trợ thanh niên yếu thế một cách thiết thực và hiệu quả.
Theo đó, Hội có thể tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng mềm, định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp dành riêng cho thanh niên khuyết tật. Phát triển các mô hình "Câu lạc bộ hòa nhập" để tạo môi trường giao lưu, học hỏi và khuyến khích thanh niên khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, lan tỏa hình ảnh thanh niên Việt Nam năng động, sáng tạo và trách nhiệm. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về gương thanh niên tiêu biểu, đặc biệt là những tấm gương vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, qua đó truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
Tiếp tục xây dựng các đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện để thanh niên khuyết tật tham gia các hoạt động tình nguyện phù hợp với khả năng của mình.
"Tôi tin rằng, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và trách nhiệm, chúng ta sẽ đưa tổ chức Hội ngày càng phát triển, trở thành điểm tựa vững chắc cho thanh niên Việt Nam, trong đó có thanh niên khuyết tật", anh Khoát bày tỏ.
Anh Lê Hà Khương Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Lào Cai, cho biết để xây dựng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của đất nước trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 nhằm cụ thể hóa những quy định trong luật Thanh niên 2020; cụ thể hóa tinh thần, quan điểm, định hướng nghị quyết của Đảng về thanh niên…
Để đổi mới hoạt động Hội một cách thiết thực và hiệu quả, theo đại biểu Khương Anh, cần giảm số lượng, tập trung nâng cao chất lượng. Lựa chọn các phong trào trọng điểm, ưu tiên hiệu quả thay vì hình thức; đánh giá định kỳ để điều chỉnh; phân cấp tổ chức cho cơ sở, và ứng dụng công nghệ số nhằm tiết kiệm chi phí, tăng kết nối.
"Ngoài ra, cần tiếp tục chăm lo đời sống, tâm tư và nguyện vọng của thanh niên. Thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp và khảo sát ý kiến để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên. Triển khai các chương trình hỗ trợ học sinh nghèo, thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số…", anh Khương Anh bày tỏ.
Tiếp tục phát huy các mô hình đúc kết từ trong đại dịch Covid-19
Anh Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thư ký Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM, cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác Hội có khoảng 2,5 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đại dịch đã gây thách thức trong khoảng thời gian nhất định nhưng lại mở ra nhiều thời cơ có giá trị lâu bền.
Đó là hình thành các diễn đàn trực tuyến, hình thành nhiều mô hình tập hợp thanh niên mới, đặc biệt là mô hình tập hợp thanh niên trên không gian mạng. Sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, tại TP.HCM đã có khoảng 25 câu lạc bộ, đội, nhóm trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM.
Trong đó, có đội hình xe bán tải, nơi tập hợp nhiều anh, chị thanh niên với mệnh lệnh từ trái tim đã tham gia bảo vệ sức khỏe của người dân. Ngoài ra, còn có đội hình tình nguyện viên nghệ sĩ TP.HCM, là đội hình ra đời trong các khu cách ly y tế. Ở thời điểm đó, các anh chị văn nghệ sĩ đã mặc trên mình bộ đồ bảo hộ, bằng lời ca tiếng hát mang lại niềm vui tinh thần cho các bệnh nhân trong khu cách ly…
Do đó, anh Bình cho rằng, cần tiếp nối, phát huy các mô hình đúc kết được từ trong đại dịch Covid-19.
Về sinh hoạt kỹ năng cho thế hệ thanh niên hiện nay, anh Bình lưu ý, phải làm được một điều, đó là giải thích cho thanh niên hiểu tại sao phải có kỹ năng và việc học kỹ năng đó để làm gì?
"Cần hiểu được mục đích, ý nghĩa của kỹ năng học được từ công tác Hội giúp áp dụng, vận dụng vào cuộc sống như thế nào, giải quyết các vấn đề cụ thể gì. Có như vậy mới giúp thanh niên chủ động tìm kiếm phương thức học tập sinh hoạt kỹ năng và gắn kỹ năng học được vào cuộc sống", anh Bình nói.
Bình luận (0)