Nghe bà Tô Thị Huệ (47 tuổi, ngụ H.Đông Hưng, Thái Bình) tâm sự về quyết định hiến tạng chồng sau khi ông mất vì đột quỵ não ngày đầu tháng 11 vừa qua, tôi vừa thương vừa cảm phục người phụ nữ nhân hậu ấy. Trong tâm trí tôi, câu chuyện của bà như một đoạn phim quay chậm ở bệnh viện: trong căn phòng nhỏ, bà Huệ ngồi đó, bên chồng với gương mặt đẫm lệ, xót thương chồng ra đi quá đột ngột.
Trong những giờ phút cuối, bà Huệ đã có một quyết định nhân văn, cao thượng là hiến tạng chồng (ông H., 53 tuổi) sau khi ra đi. Bà kể đã nắm tay ông cả đêm, rồi thì thầm với ông để xin phép về quyết định của mình. Bà biết ông sẽ đồng ý vì ông cũng là người sống nhân văn như vậy. Từ trước khi xảy ra biến cố, bà Huệ đã thể hiện quan điểm ủng hộ việc hiến tạng với ông. Thế nhưng, để quyết định việc hiến tạng trong những ngày cuối bên chồng và vượt qua được định kiến nguyên vẹn sau khi chết để đến thế giới bên kia theo truyền thống Á Đông là điều không dễ dàng với người phụ nữ đã lên chức bà ngoại. Câu chuyện của bà Huệ làm tôi nhớ tới ông Nguyễn Văn Sang (60 tuổi, ngụ xã Kim Lương, H.Kim Thành, Hải Dương), người cũng quyết định hiến tạng người con trai duy nhất tử vong do bị chết não.
Trong chất chứa đau buồn và khó khăn, người đàn ông đã trải qua nhiều nỗi đau trong cuộc đời vẫn nói: “Tôi mong những người được nhận tạng của con tôi sẽ khỏe mạnh, chúng tôi cảm thấy như thế là con mình đang sống. Đó là niềm an ủi lớn lao với vợ chồng tôi”. Cơ thể con người là vô giá. Việc hiến tặng một phần máu thịt để cứu người khác càng đáng quý và không gì có thể đong đếm được. Cả người hiến và người có trách nhiệm đưa ra quyết định ấy luôn cần và được tôn vinh, trân trọng, sẻ chia.
Bình luận (0)