Sáng 13.5, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tổ chức tri ân gia đình có người chết não hiến tạng vào 8 ngày trước, gồm: tim, gan và 2 quả thận. Cái chết của chàng trai trẻ là mất mát, là nỗi đau không thể bù đắp của một gia đình. Nhưng thật cao cả, gia đình chàng trai đã hiến tạng con mình, để tái sinh 4 con người không ruột rà, thân thích.
Theo các chuyên gia ghép tạng, một người chết hiến tạng, có thể cứu sống được từ 6 - 7 người nếu hiến tim, gan, 2 quả thận, 2 giác mạc…
Ghép tạng là giải pháp cuối cùng để giữ mạng sống cho người bị suy tạng giai đoạn cuối. Mọi giải pháp khác về y khoa chỉ là duy trì sự sống, nhưng chất lượng cuộc sống không mấy tốt đẹp. Nhưng câu hỏi mà ngành ghép tạng thế giới cũng như Việt Nam đặt ra là: Tạng đâu để ghép? Phần lớn là người cho tạng sống, nhưng như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người cho. Giải pháp vẫn là người cho tạng khi tim ngừng đập, người chết não.
Bệnh nhân được ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy |
BVCC |
Hằng năm có hàng ngàn người tử vong, một phần do bệnh lý, tuổi già; một phần lớn do tai nạn các loại (nhiều nhất vẫn là tai nạn giao thông).
Ngành y tế và các tổ chức đoàn thể xã hội, tôn giáo cùng hợp sức truyền thông, kêu gọi gia đình người chết não, ngừng tim vì lý do nào đó nhưng tạng còn sử dụng được thì hiến tặng cho những người đang cần để duy trì mạng sống, để họ có tương lai tốt đẹp. Nhưng, quan niệm của nhiều người Á Đông, chết là toàn vẹn về thể xác, vì vậy mà số người chết não, ngừng tim hiến tạng đếm trên đầu ngón tay. Nhưng cũng không loại trừ có tình trạng mua bán tạng.
Người viết nhớ mãi câu nói của một người con hiến tạng mẹ mình khi bà qua đời: “Mẹ tôi mất đi, nhưng tôi biết mẹ vẫn còn sống và đang ở đâu đó trong một cơ thể người khác. Tôi không mong muốn gì hơn, chỉ hy vọng người nhận tạng của mẹ có sức khỏe tốt để tiếp tục sự sống. Như vậy mẹ tôi vẫn còn sống!”.
Bình luận (0)