Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Tam Nông (Phú Thọ), cho biết ông đang ở hiện trường vụ việc. Theo ông Hùng, vụ sập cầu Phong Châu xảy ra khoảng hơn 10 giờ cùng ngày. Ở thời điểm sự cố xảy ra, cầu vẫn đang cho người và phương tiện lưu thông bình thường.
Anh N.C.T. (trú tại xã Sơn Thủy, H.Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), một người may mắn thoát nạn, cho hay sáng nay anh có công việc cần di chuyển sang địa bàn huyện Lâm Thao.
Khoảng gần 10 giờ cùng ngày, anh T. điều khiển ô tô theo hướng Tam Nông sang Lâm Thao, cách khoảng 200 m để đi vào cầu Phong Châu. Thời điểm này, anh và nhiều người phát hiện 2 nhịp cầu ở giữa sông có dấu hiệu sập, gãy. Vài giây sau, 2 nhịp cầu này đổ sập xuống lòng sông Hồng.
Kinh hoàng phút sinh tử trong sập cầu Phong Châu: 'Như được sinh ra lần thứ hai'
Theo lời kể của nhân chứng, nhiều người vô cùng kinh hoàng trước sự việc. Khi cầu sập, trên cầu có người và phương tiện đang lưu thông. Một số người đã bị rơi xuống lòng sông.
Sau sự cố, khu vực cầu Phong Châu vẫn chưa ổn định, có thể có nguy cơ đổ sập. Cơ quan chức năng tại hiện trường đã lập tức phong tỏa khu vực này và tiến hành các công tác cứu nạn.
Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường sập cầu Phong Châu, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu tỉnh Phú Thọ báo cáo sơ bộ thiệt hại từ vụ sập cầu.
Báo cáo cho biết, vụ việc làm 10 ô tô, 2 xe máy và 9 người rơi xuống sông và bị nước cuốn trôi.
Phó thủ tướng chỉ đạo các lực lượng ngăn chặn 2 đầu cầu và dùng lưới để tìm kiếm người bị rơi xuống sông. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh báo cáo giải pháp cứu hộ đang gặp khó khăn do dòng nước xiết không thể cho người, phương tiện xuống ngay được.
Một số hình ảnh tại hiện trường vụ sập cầu:
Bình luận (0)