"Bắt đầu cuộc đua chứ không phải bắt đầu bữa tiệc"
Chiều 20.5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Là người đầu tiên phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng, việc sớm thông qua 2 hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Không chỉ các dòng thuế tiến về 0, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam vào châu Âu nhiều hơn, theo ông Ngân, khi hiệp định được ký kết, người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tiếp cận được hàng hóa, máy móc thiết bị đầu tư với giá cả phải chăng, chất lượng tốt.
Ông Ngân cũng cho rằng, 2 hiệp định này cũng tạo điều kiện để Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư từ châu Âu trước việc các nhà đầu tư đang chuyển đổi từ các thị trường như Trung Quốc để tìm thị trường mới. “Việc phê chuẩn 2 hiệp định với thị trường khó tính như châu Âu cũng thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn”, ông Ngân đánh giá.
Tuy nhiên, ông Ngân cũng cho rằng, để hiệp định đi vào cuộc sống thì công tác tuyên truyền, nội địa hóa để các doanh nghiệp triển khai thực hiện là cần thiết. Bên cạnh đó, đại biểu TP.HCM cũng đề nghị cần đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế để hiệp định triển khai thuận lợi.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, 27 nước EU bao gồm những quốc gia đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư, công nghệ, pháp luật, quản lý nhà nước… Chúng ta sẽ có cơ hội nâng tầm của mình ở những lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, khi phê chuẩn 2 hiệp định là khi “chúng ta bắt đầu cuộc đua chứ không phải là bắt đầu bữa tiệc. Nếu không thành công, chúng ta vẫn có thể tụt hậu. Chúng ta có thể ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình và khi đó, với hai hiệp định này, tiệc thì người khác ăn còn nợ thì chúng ta phải gánh”, ông Nghĩa nói và đề nghị Chính phủ có chiến lược, kế hoạch cụ thể để toàn xã hội, toàn nền kinh tế, toàn bộ hệ thống chính trị phải nỗ lực phấn đấu, triển khai, nhất là các cam kết và những thời hạn cụ thể.
Bấm nút thông xe con đường cao tốc hội nhập với Liên minh châu Âu
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng, việc phê chuẩn 2 hiệp định tại kỳ họp là Việt Nam đã “bấm nút thông xe" cho con đường cao tốc hội nhập với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, theo ông Lộc, thông xe mới chỉ là mở lối đi, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm để đoàn xe doanh nghiệp và cả nền kinh tế có thể vận hành trơn tru, hiệu quả trên tuyến đường này.
Từ đó, ông Lộc cho rằng, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật để 2 hiệp định sớm đi vào cuộc sống, có sự tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sớm cho doanh nghiệp để tận dụng hiệp định cũng như có các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp từ phía nhà nước.
|
“Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, đối với doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có liên quan, đường cao tốc EVFTA không phải là con đường miễn phí. Để doanh nghiệp và đất nước tận dụng được những cơ hội từ đường cao tốc EVFTA, chúng ta phải đầu tư”, ông Lộc nói và đề nghị các doanh nghiệp, trước hết phải bỏ thời gian và công sức để tìm hiểu về các cơ hội, thách thức từ hiệp định.
Đối với nhà nước, ông Lộc đánh giá, EVFTA thực sự là một động lực cải thiện nền kinh tế, Nhà nước cần phải đầu tư cho 3 công trình trụ cột - nền tảng quốc gia cho năng lực cạnh tranh, hoàn thiện thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Để chơi với EVFTA và các hiệp định tự do thế hệ mới, để đón nhận làn sóng FDI với chất lượng cao chứ không “vơ bèo vạt tép”, thì các việc làm này cần phải được tăng tốc nhanh hơn”, ông Lộc nêu.
Mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm lệ thuộc
Trước đó, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trình bày tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, nội dung hiệp định bao gồm các vấn đề liên quan đến thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ….
Theo tờ trình của Chủ tịch nước, hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, giúp Việt Nam nâng cao nội lực và củng cố vị thế. Đặc biệt, hiệp định mang lại lợi ích giúp tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu ngân sách, tạo ra sức ép cải cách...
Hiệp định cũng mang đến một số thách thức nhất định, như cam kết mở cửa thị trường, yêu cầu đáp ứng các quy định chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, tiêu chuẩn kỹ thuật, cam kết về lao động…
Đại diện Chính phủ thuyết minh thêm về EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh những tác động tích cực về mặt kinh tế và cải cách pháp luật - thể chế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, hiệp định dự kiến cũng giúp việc giảm nghèo nhanh hơn.
Ông Tuấn Anh dẫn kết quả nghiên cứu của báo cáo "Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA" do Ngân hàng Thế giới thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, cho thấy EVFTA có thể giúp Việt Nam tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỉ lệ nghèo 0,7%.
Hiệp định này cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ.
Theo ông Tuấn Anh, đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. "Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định", Bộ trưởng Công thương cho hay.
|
Bình luận (0)