(TNO) Trong quá trình đàm phán TPP, bảo hộ về dược phẩm sinh học là "nút thắt" khó cởi nhất. Các nước muốn rút ngắn thời gian bảo hộ, còn Mỹ muốn kéo dài.
Rút ngắn thời gian bảo hộ độc quyền dược phẩm sinh học sẽ khiến giá thuốc rẻ hơn - Ảnh: Minh họa
|
Mỹ muốn kéo dài thời gian bảo hộ độc quyền cho các công ty trong 12 năm đối với các dữ liệu miêu tả quá trình sản xuất thuốc. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng các công ty khác sử dụng các nghiên cứu ban đầu để phát triển các sản phẩm tương tự. Các công ty dược phẩm muốn độc quyền để giữ giá bán, nhưng ngược lại, một số quốc gia mong muốn cắt giảm thời gian độc quyền trên với lý do, giảm độc quyền có thể giúp hạ chi phí ở các nước nghèo hơn.
Nhận định về tác động của điều khoản này đối với Việt Nam, ông Nguyễn Đức Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam cho rằng, nếu thời gian độc quyền sản phẩm dược phẩm, nguyên liệu dược kéo dài, đồng nghĩa với giá sản phẩm sẽ đắt đỏ, còn nếu hết thời hạn độc quyền, nó sẽ trở thành sản phẩm “đại chúng”, các nước có quyền sản xuất nó, do đó giá cả sẽ giảm hơn và tăng cơ hội cho người bệnh thuộc các nước nghèo được tiếp cận sản phẩm.
Đặc biệt, Việt Nam hầu như chưa có thuốc phát minh độc quyền, nguyên liệu sản xuất thuốc phải nhập khẩu ước đến 90%, do đó thời hạn độc quyền càng ngắn thì ngành dược trong nước càng có cơ hội tham gia sản xuất với nguyên liệu có giá dễ chấp nhận hơn, từ đó cho ra đời thành phẩm có giá thành phù hợp với khả năng chi trả còn hạn chế của người bệnh trong nước.
Độc quyền về sản phẩm mới này sẽ khiến các thị trường có nhu cầu sử dụng sản phẩm mới phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả do nhà sáng chế, hãng dược phẩm sở hữu sản phẩm quyết định, khiến người bệnh nghèo hầu như không có cơ hội tiếp cận nếu họ không dành cho chính sách ưu đãi hỗ trợ, chuyên gia cho biết.
Bình luận (0)