Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN kiến nghị xem xét lại mức phạt ông Trịnh Văn Quyết

14/12/2017 08:39 GMT+7

VAFI kiến nghị cần xem xét lại mức xử phạt hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết , Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, đã bán chui cổ phiếu cũng như trách nhiệm của người ban hành quyết định xử phạt.

Ngày 13.12, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) cho Thanh Niên biết đơn vị này trong sáng cùng ngày đã gửi đơn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước kiến nghị cần xem xét lại mức xử phạt hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, đã bán chui cổ phiếu cũng như trách nhiệm của người ban hành quyết định xử phạt.
Theo VAFI, việc ông Quyết đã bán 57 triệu cổ phần (CP) FLC từ ngày 20 - 24.10 không báo cáo nhưng chỉ bị phạt tiền 65 triệu đồng là quá nhẹ, khiến giới đầu tư chứng khoán bất bình. Bởi hành động này đã lừa gạt nhà đầu tư (NĐT) khiến cho hàng trăm người bị thua lỗ.
Đặc biệt trong ngày 23.10, ông Trịnh Văn Quyết cũng có văn bản công bố mua vào 37 triệu CP FLC và được đưa ra lấy biểu quyết tại đại hội cổ đông bất thường của FLC diễn ra cùng ngày. Khi đó, nhiều NĐT đã đổ một lượng vốn lớn vào mua FLC khi nghĩ rằng công ty có thông tin tốt khiến giá trị giao dịch trong 3 ngày từ 20 - 24.10 tăng lên 3 - 4 lần so với những ngày bình thường.
Trong khi đó bản thân ông Quyết đã âm thầm bán ra đến 57 triệu CP và thu về khoảng 400 tỉ đồng. Chưa hết, đến ngày 12.11, ông Trịnh Văn Quyết lại đăng ký mua vào 20 triệu CP FLC. Tổng cộng nếu giao dịch thành công sau 2 lần đăng ký mua thì ông Quyết cũng mua vào 57 triệu CP, đúng bằng số lượng CP đã bán ra. Như vậy thực tế ông Quyết không mua thêm CP nào như kế hoạch ban đầu công bố trước đại hội cổ đông.
VAFI cho rằng khi nói mua nhưng thực tế lại bán mạnh một lượng lớn CP là hành động có tính toán, có tổ chức mà không thể nói là sơ suất. “Hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết không đơn giản chỉ là bán chui cổ phiếu mà là hành vi lừa đảo NĐT để bán chui cổ phiếu. Vi phạm này phạm vào điểm 1 và 2 điều 9 “Quy định các hành vi bị cấm” của luật Chứng khoán ngày 29.6.2006”, văn bản của VAFI nêu.
Hiện quy định mức xử phạt thấp nhất cho các hành vi như trên là phạt tiền từ 1,2 - 1,4 tỉ đồng đối với tổ chức vi phạm. Riêng với cá nhân chịu mức phạt bằng 1/2 tiền phạt của tổ chức. Đồng thời quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.