‘Hiệp hội nhiều khi phải lạy xin doanh nghiệp giảm giá cước’

22/02/2016 15:47 GMT+7

Lãnh đạo Hiệp hội vận tải cho biết, nhiều hiệp hội địa phương phải “lạy xin” doanh nghiệp giảm giá . Trong khi theo Thứ trưởng Bộ GTVT, trong 4.000 doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định, mới có 1.000 doanh nghiệp giảm giá.

Lãnh đạo Hiệp hội vận tải cho biết, nhiều hiệp hội địa phương phải “lạy xin” doanh nghiệp giảm giá. Trong khi theo Thứ trưởng Bộ GTVT, trong 4.000 doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định, mới có 1.000 doanh nghiệp giảm giá.

Mới chỉ có 1.000 doanh nghiệp trên 4.000 doanh nghiệp xe khách cố định giảm giá cước - Ảnh: Ngọc Thắng`Mới chỉ có 1.000 doanh nghiệp trên 4.000 doanh nghiệp xe khách cố định giảm giá cước - Ảnh: Ngọc Thắng`
Tại buổi họp về giá cước vận tải của Bộ GTVT sáng nay 22.2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc giảm giá cước vận tải thời gian qua chưa tương xứng với mức giảm giá của xăng dầu. Hiện cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp tham gia vận tải khách tuyến cố định, nhưng các sở ngành địa phương thống kê lên mới có khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia vào việc giảm giá. Con số này cho thấy sự thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp với việc kê khai giá cước vận tải.
Ngoài ra, cả nước có khoảng 300.000 xe taxi của 1.000 hãng nhưng doanh nghiệp vẫn còn đưa ra nhiều lý do khác nhau tránh việc giảm giá. “Chỉ cần giá xăng tăng một cái là doanh nghiệp tăng cước vận tải ngay. Trong khi giá xăng giảm thì lại nại rất nhiều lý do, trong đó gồm cả lý do trạm thu phí BOT để không giảm giá”, ông Trường thông tin.
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết đã tiếp nhận hồ sơ kê khai giá cước của 51 doanh nghiệp, trong đó có 25 doanh nghiệp taxi kê khai lại giá cước nhưng vẫn giữ nguyên giá. Lý do các hãng này cho rằng đã điều chỉnh giảm giá cước tại thời điểm tháng 1.2015 tương ứng với xăng RON là 15.670 đồng/lít, trong năm 2015, khi giá xăng tăng, các doanh nghiệp không điều chỉnh giá cước. Ngoài ra, chi phí đầu vào từ đầu năm 2016 tăng lên như lương tối thiểu, chi phí bảo hiểm, phí cầu đường… đều tăng cao hơn mức giảm của xăng dầu.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cần làm rõ doanh nghiệp nào làm ăn tích cực, doanh nghiệp nào cố tình chây ỳ. Lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết: "Hiệp hội địa phương nhiều khi phải “lạy, xin” các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước".
Ông Thanh đề xuất các chuyên gia kinh tế phải giúp Nhà nước và cơ quan giá để xác định khoản mục của vận tải ra làm sao; phải có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm, xử bằng pháp luật, có căn cứ rõ ràng chứ không phải “chỉ đạo mãi mà không giảm giá”.
Ngoài ra, khi xăng dầu giảm giá 10% là doanh nghiệp phải kê khai giảm cước, thủ tục có thể đơn giản qua mail, không cần phải dấu má, để rút gọn thời gian và thủ tục giảm giá.
Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho hay, cước vận tải đang vận hành theo cơ chế thị trường, cơ quan quản lý không can thiệp, nhưng do tính chất có tác động lớn nên Nhà nước vẫn tham gia điều tiết. Việc kê khai giá cước đã làm thường xuyên, thủ tục không có gì nhiêu khê.
Hiện tại, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang soạn thảo dự thảo Thông tư 152 theo hướng, khi giá nhiên liệu giảm 20% buộc các doanh nghiệp phải tự động giảm, không phải có văn bản giục giảm nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.