'Hiệp sĩ di tích' trong lòng bạn bè: 'Nhà dự báo' của phố cổ

29/04/2022 06:43 GMT+7

Những gợi mở trong công tác tu bổ, bảo tồn khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) của cố kiến trúc sư Kazik vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Hội An cũng đã có định hướng phát triển du lịch không khác so với những dự báo của ông.

Phố cổ không còn là... “phố khổ”

Mỗi lần có ai đó hỏi chuyện về kiến trúc sư (KTS) Kazik, ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, lại xúc động nhớ về một người đã dành biết bao tâm sức để gìn giữ và đánh thức khu phố cổ. Ông Minh kể, không chỉ dừng lại ở những tâm sự ngoài lề của mình với bạn bè, Kazik còn viết nhiều bài báo gửi đăng ở Ba Lan, Pháp. Những năm 1986 - 1987 khi trở lại Hội An, ông thường mang theo những số báo có in bài giới thiệu và ảnh dãy phố cổ do chính tay ông chụp.

“Ông muốn động viên các đồng nghiệp Hội An rằng, công việc thầm lặng bảo tồn di tích Hội An đã và đang được thế giới biết đến. Rằng hãy yên tâm, chỉ vài năm nữa thôi dân số Hội An sẽ được cộng thêm hàng vạn khách du lịch đến từ nhiều nước, hàng ngàn người từ nơi khác đến làm dịch vụ”, ông Minh nhớ lại.

Để chứng minh ý tưởng của mình về tiềm năng du lịch Hội An, cố KTS Kazik đã bỏ nhiều công sức nghiền ngẫm, thiết kế tu bổ thích nghi nhà 33 Nguyễn Thái Học thành khách sạn mini. Ông muốn biến nó thành một “donation box” (thùng phước sương) cho di tích Hội An.

Nhà số 33 Nguyễn Thái Học (TP.Hội An) từng được Kazik dốc sức trùng tu để làm khách sạn, đánh thức du lịch

HOÀNG SƠN

Trong cuốn sách Đô thị cổ Hội An (từ hội thảo quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng ngày 22 - 23.3.1990), KTS Kazik nhận xét: Hội An “có vẻ đẹp không trùng lặp”, thể dáng kiến trúc, sự hoàn hảo của nghệ thuật chạm khắc tạo nên phố cổ những đặc điểm nổi bật… Theo ông, những giá trị này sẽ đưa quần thể di tích lên vị trí hàng đầu trong danh mục các di tích văn hóa của Việt Nam và cả trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại.

Liên hệ kinh nghiệm của Ba Lan trong quá trình tu bổ phục hồi TP cổ Kazimierz bên bờ sông Visla, KTS Kazik đã đưa ra những định hướng và dự báo xuất sắc. Đó là, Hội An phải gắn liền với các dịch vụ về du lịch, khách sạn, sản xuất đồ lưu niệm mang sắc màu dân gian. Với Hội An, có thể thêm các chức năng về đánh bắt cá, chế biến hải sản, dệt cổ truyền đã sẵn có ở địa phương… Ông cũng cho rằng, sự phát triển kinh tế là nhu cầu thiết yếu trong đời sống của Hội An, vì vậy việc bảo vệ cấu trúc, di tích phải dựa trên nguyên tắc có tính sắc lệnh bắt buộc.

Bí thư Thành ủy Hội An Trần Ánh cho rằng, sau chiến tranh, việc quan tâm đến bảo tồn các giá trị văn hóa vẫn chưa được đúng mức. “Nhiều người nói vui, phố cổ là… phố khổ. Kể từ khi Kazik bằng những kinh nghiệm của mình, ông quan tâm và tác động để phố cổ nhận được sự quan tâm trong bảo vệ, tu bổ di tích và nhất là sau năm 1999, khi UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, khu phố cổ đã không còn khổ”, ông Ánh chia sẻ.

Chờ đợi con đường mang tên Kazik

Lúc đương thời, Kazik thân thiết với nhiều văn nghệ sĩ tại TP.Đà Nẵng, trong đó có nhà báo Trương Điện Thắng. Ông Thắng nhớ nhất là những dự báo mang đầy trăn trở của Kazik mà đến nay vẫn còn tính thời sự.

“Với Hội An, Kazik thường cho thấy một tầm nhìn rất bao quát, sâu sắc, đầy trách nhiệm về những gì mà anh chú tâm nghiên cứu, nhiều khi là những dự báo rất bất ngờ. Một lần chúng tôi ngồi thuyền từ Hội An đi Cửa Đại, anh đã nói: “Nếu không khơi dòng chảy cho cửa biển này, nó sẽ tiếp tục bị bồi lấp. Không chỉ thuyền bè của ngư dân ra vào Cù Lao Chàm sẽ gặp trở ngại mà khả năng phá hủy các khu phố cổ sẽ tăng lên do bị lũ ngập nhiều ngày và thường xuyên hơn”. Ý kiến đó, sau này đã được các chuyên gia Nhật Bản nhắc tới”, nhà báo Trương Điện Thắng nhớ lại.

Nhà báo Trương Điện Thắng kể, những con phố nhỏ hẹp của Hội An đặc biệt ấn tượng và gây cho Kazik nhiều suy nghĩ. Khi mới đến Hội An, Kazik đã nghĩ ngay đến việc phải loại bỏ những cây cột điện bằng sắt và dây điện giăng mắc bùng nhùng hoặc những lớp bê tông nhựa, xi măng dưới chân, xe cộ gắn động cơ…

“Các đường phố cổ phải được lát đá và gạch như nó vốn có từ xưa để dành cho người đi bộ, cần thiết lắm thì chỉ cho sử dụng xích lô hoặc xe đạp. Anh nói như một xác tín và sau đó nhiều năm, Hội An đã bắt tay thực hiện những ý tưởng xuất sắc này”, ông Thắng tiếp lời: “Ký ức tốt đẹp về anh và lòng biết ơn anh sẽ còn mãi với nhiều người. Bởi vậy, một con đường mang tên Kazimierz Kwiatkowski là cần thiết cho lòng biết ơn này!”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Minh cho rằng việc phát hiện, xác định giá trị khu đô thị cổ Hội An để từ đó đưa hình ảnh Hội An ra với thế giới khiến vai trò của Kazik trong tiến trình bảo vệ, gìn giữ các di tích tư nhân cho đến ngày được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại càng trở nên vĩ đại. Đề cập đến công lao của những chuyên gia đối với Hội An, bên cạnh GS Hoàng Đạo Kính (nguyên Giám đốc Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích T.Ư, nay là Viện Bảo tồn di tích), ông Nguyễn Đức Minh kiến nghị, chính quyền địa phương nên đặt tên Kazik cho một con đường để thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với ông.

Ông Trần Ánh cho biết: “TP đang tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của pháp luật về quỹ tên đường. Nếu được, TP sẽ bổ sung tên Kazik và đặt cho một con đường phù hợp”. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.