'Hiệp sĩ di tích' trong lòng bạn bè: Thờ phụng Kazik như người thân

01/05/2022 07:30 GMT+7

Ở VN, rất nhiều người yêu quý, hoài nhớ Kazik. Nhưng tưởng nhớ đến ông như một người thân trong gia đình để mà lập am thờ, thường xuyên nhang khói thì chắc chỉ có ông Phùng Phu.

Lời hẹn dang dở

Ngày mưa cuối tháng 3.2022 khiến đất thần kinh càng thêm u buồn. Trong căn nhà của mình ở trung tâm TP.Huế, ông Phùng Phu (nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) trầm ngâm khi nhớ lại những ngày này cách đây tròn 25 năm. “Tầm thời điểm này của 25 năm trước, sau 17 năm gắn bó với những di sản của VN, anh Kazik đã ngừng cuộc rong chơi và trở về quê hương Lublin, Ba Lan trong cỗ quan tài kẽm. Những gì anh để lại cao cả bao nhiêu thì sự ra đi đột ngột của anh cũng khiến tôi đau lòng bấy nhiêu”, ông Phu vừa thắp nén nhang lên bàn thờ Kazik vừa bồi hồi kể.

Ông Phùng Phu lập am thờ Kazik để nhớ về ông như một người anh trai của mình

HOÀNG SƠN

Có lẽ những bè bạn, đồng nghiệp không ai ám ảnh và đau lòng vì sự qua đời của Kazik như ông Phùng Phu. Bởi ông Phu là người chứng kiến, phát hiện Kazik đột quỵ. Ông Phu nhớ như in, 15 giờ 45 phút ngày 19.3.1997, vì có cuộc hẹn với Hội Những người yêu Huế tại Pháp bàn về việc hỗ trợ trùng tu di tích, ông đã đến khách sạn nơi Kazik và con trai Bartek nghỉ ngơi để đi cùng họ. Lúc này, Bartek đã ra ngoài uống cà phê cùng đồng nghiệp. Thấy Kazik vẫn còn nằm trên giường, ông Phu đến gọi thì tá hỏa thấy ông ấy bất động.

Thế Tổ miếu được khởi công trùng tu vào năm 1997 thì KTS Kazik qua đời

“Tay anh nắm chặt tay tôi. Tôi vừa muốn đi kêu người nhưng lại lo để anh ở một mình nên cứ thế hét toáng lên. Mọi người ùa đến rồi cùng đưa anh đi cấp cứu. Nhưng mọi việc quá muộn vì tim anh đã ngừng đập. Tôi đã mất người anh trai của mình như thế…”, ông Phùng Phu rưng rưng nước mắt: “Lúc khâm liệm, cậu con trai Bartek đã đưa ra bộ comple còn mới tinh mà anh Kazik còn chưa kịp mặc. Bartek bảo, bộ đồ này bố anh dự định sẽ mặc trong dịp khánh thành Thế Tổ miếu sau khi cùng các đồng nghiệp trùng tu thành công”.

Năm 1996, KTS Kazik đã bắt tay nghiên cứu, đo vẽ Thế Tổ miếu để chuẩn bị cho công tác tu bổ di tích này. Đến tháng 3.1997, sau khi Kazik qua đời, những công việc và định hướng của ông tiếp tục được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế kế tục với tinh thần cao nhất.

“Anh đã sống cuộc đời của một hiệp sĩ”

Ông Phùng Phu kể, là người từng học tập ở Ba Lan và đã đến thăm nhà của Kazik tại TP.Lublin, ông hiểu những chuyên gia thuộc Liên hiệp Các xí nghiệp tu bổ di tích quốc gia Ba Lan - PKZ như Kazik được nhiều nước trên thế giới trả lương rất hậu hĩnh. Thế thì điều gì đã thôi thúc ông xung phong đến và hy sinh một phần lớn cuộc đời mình cho các di tích vốn nhiều xa lạ rồi trút hơi thở cuối cùng ở VN? “Trong khi ở Ba Lan, anh còn có 3 người con tuổi ăn tuổi lớn, vợ anh dạy toán với thu nhập ít ỏi. Vậy mà anh đã đến với chúng ta, chấp nhận làm việc trong môi trường thiếu thốn, khở sở đủ bề”, ông Phu nói như lý giải: “Đó chỉ là thể là một hiệp sĩ. Anh đã sống cuộc đời của một hiệp sĩ, đã hết mình với lý tưởng mà anh đã chọn”.

Ngày KTS Kazik mất, ông Phu đã khóc như mất đi người thân. Lễ tang của Kazik tổ chức tại nhà Hữu vu (Hoàng thành Huế) trở thành một nghi lễ trang trọng chưa từng có đối với một người ngoại quốc. Điếu văn do ông Phùng Phu chấp bút được đọc lên khiến nhiều người không cầm được nước mắt. “Tôi viết giản dị như chính con người của anh vậy. Nhớ nhất là đoạn: tại sao khi anh sang VN, anh lại yêu nước mắm, thích la cà vỉa hè uống rượu gạo… Đó là vì anh đã hòa nhập và từ lâu đã coi mình như một người VN, bình dị và chân thật”, ông Phu nhớ lại.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người cộng sự của Kazik ở Mỹ Sơn, khi hay tin ông mất cũng tức tốc ra Huế viếng tang. “Đám tang của anh đặc biệt ở chỗ có 2 đội kèn, 1 tây 1 ta. Đó là cách mà chúng ta có thể tri ân ông - một con người đã dành hết tâm sức cho di sản VN như với quê hương mình”, họa sĩ Hỷ nhớ lại.

Cũng như nhiều chuyên gia trùng tu di tích từng làm việc với Kazik, sau 25 năm nhìn lại, ông Phùng Phu đã học ở vị cố KTS được 2 đức tính: tận tâm và nghiêm túc. Ông Phu kể, đứng trước di tích cần nghiên cứu, Kazik “soi mói, bới tìm” rất kỹ. Nhiều lúc ông đưa tay cạo cạo, xoa xoa vào hiện vật như thể một bác sĩ đang khám cho bệnh nhân. Khi người ta chơi bài giải trí, uống cà phê thư giãn thì ông lại trâm ngâm lấy chuyện công việc để hỏi mọi người. Lúc thì bàn chuyện vì sao vữa bị mốc, lúc tự hỏi liệu sơn son thếp vàng tồn tại được bao lâu. Ông đã theo đuổi vấn đề gì đó thì không bao giờ buông bỏ. Còn một khi tìm ra giải pháp thì làm việc say mê đến tận khuya. Ông quý bản vẽ như sinh mệnh của mình.

Chia tay ông Phu, tôi xin phép được thắp nén nhang cho Kazik. Bên trong bàn thờ là di ảnh Kazik mặc áo dài, khăn đóng được cắt ra từ tấm ảnh trong lễ khởi công tu bổ Thế Tổ miếu năm 1997. Ông Phu nghẹn giọng: “Mỗi lúc khó khăn trong cuộc sống, tôi hay nghĩ về anh. Tôi thắp nhang lên bàn thờ, thấy anh ở đó trong bộ trang phục truyền thống của VN, tôi thấy mình ấm lòng và mạnh mẽ hơn…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.