Tôi từng hỏi rất nhiều anh em ‘hiệp sĩ đường phố’, rằng làm cái việc ‘ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’ mà đầy hiểm nguy trong mong manh lằn ranh sinh tử như thế, có sợ thiệt thân? Anh em cũng thật lòng: Sợ!
Nhưng vì sao anh em vẫn dấn thân ngày này qua tháng nọ, dẫu hành trình mưu sinh của mỗi người đều lắm gian truân, thậm chí có người đi gần trọn “60 năm cuộc đời” vẫn nghèo đến mức chỉ… hai bàn tay trắng? Vì sao anh em vẫn không nề hà thân xác, hiểm nguy mạng sống để hành hiệp trượng nghĩa trên đường phố, dẫu đâu đó vẫn còn những thản nhiên nghi hoặc này kia?
***
Ba năm trước, khi thực hiện loạt bài Lục Vân Tiên thời nay trên Thanh Niên, lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc với nhiều anh em “hiệp sĩ đường phố”. Thời điểm đó, lực lượng “hiệp sĩ đường phố” ở TP.HCM chỉ tính hàng chục, chưa có lên đến hàng trăm như bây giờ. Thú thật, trong lòng tôi khi ấy cũng thầm băn khoăn trước những luồng ý kiến trái nhiều về hình ảnh của họ.
|
Khi được lắng nghe câu chuyện đời thực của những con người xả thân mình để hành hiệp trượng nghĩa thầm lặng trên đường phố, tôi thật sự thán phục, trân trọng những con người biết hành hiệp trượng nghĩa như thế. Chính điều ấy giúp tôi thêm hy vọng vào sự tử tế giữa đời sống này. Chính điều ấy cũng giúp tôi biết yêu thương hơn những thân phận đâu đó còn bị lãng quên…
Hôm qua khi mang số tiền 145 triệu đồng của bạn đọc Báo Thanh Niên và Tập đoàn CT Group vào hỗ trợ, chia sẻ với thân nhân các “hiệp sĩ đường phố” bị băng trộm xe SH tấn công gây thương vong vào tối 13.5 trên đường Cách Mạng Tháng 8, P.10, Q.3 (TP.HCM), tôi có dịp gặp lại Nguyễn Việt Sin từng “đóng giả bạn tình để phá án”; gặp lại “hiệp sĩ… phụ bán chè” Lê Ngọc Phúc; gặp lại Nguyễn Trọng Nghĩa với “máu hành hiệp của anh thợ sửa khóa nghèo”; gặp lại “hiệp sĩ tái xuất” Nguyễn Văn Minh Tiến; và còn gặp nhiều anh em “hiệp sĩ đường phố” khác nữa đến trúc trực ở các bệnh viện. Tôi lại nhớ chia sẻ của “người bán nón 20 năm bắt cướp” - hiệp sĩ Trần Văn Hoàng: “Thấy bọn cướp giật lộng hành thì phải ra tay ngăn chặn ngay thôi, chứ không thể làm ngơ được chuyện chướng tai gai mắt đó. Nói thật, làm ngơ không đành. Có lúc người thân trong nhà bảo thôi đừng đi bắt cướp nữa, nhưng mà cái máu nó vậy, không dứt được”.
Tâm tình của hiệp sĩ Trần Văn Hoàng, tôi nhận thấy, cũng là tâm tình của nhiều anh em “hiệp sĩ đường phố” khác.
Cũng trong hôm qua, sau khi được cấp cứu qua cơn nguy kịch, nằm trên giường bệnh hồi sức, “hiệp sĩ đường phố” Trần Văn Hoàng rơi nước mắt khi hay tin đồng đội mình có người đã không còn sống.
Anh Hoàng rơi nước mắt, tôi nghĩ có lẽ vì nghĩ suy của anh đang ray rứt nhiều điều “giá như”. Giá như thành phố bình yên hơn thì có thể sẽ không cần đến anh em “hiệp sĩ đường phố” bắt cướp chỉ với… lòng dũng cảm của riêng mình. Giá như sớm có một sự hỗ trợ tích cực từ phía lực lượng chức năng vốn đảm đương trách nhiệm chính yếu trong việc bảo vệ sự bình yên của phố phường…
Tôi bị ám ảnh tiếng khóc nấc nghẹn của cháu Nguyễn Thành Đạt, lớp 4, Trường Tiểu học An Hội, Q.Gò Vấp (TP.HCM) - đứa con duy nhất của “hiệp sĩ” tử nạn Nguyễn Văn Thôi, khi đưa tiễn người cha thân yêu về nơi an nghỉ ở quê nhà Bình Định.
Tôi cũng bị ám ảnh ánh mắt đỏ hoe của bà Lâm Thị Nhung, 50 tuổi, mẹ của “hiệp sĩ” tử nạn Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi), khi bà nhấc từng bước chân liêu xiêu đưa tiễn đứa con trai duy nhất từ nhà xác Bệnh viện An Bình về quê nhà Đồng Nai mai táng.
Khi viết loạt bài Lục Vân Tiên thời nay, bản thân tôi thật sự không mong muốn các “hiệp sĩ” lao ra đường phố săn bắt cướp mỗi ngày. Tôi chỉ mong tinh thần Lục Vân Tiên giúp người gặp nạn của các “hiệp sĩ đường phố” được lan tỏa trong cộng đồng, nhờ đó góp phần vun đắp tình yêu thương trong cuộc sống, tránh phát sinh thêm thứ “đặc sản thừa” ấy.
Và tôi vẫn đau đáu bình luận của một bạn đọc: “Bọn cướp này không đáng sợ bằng sự vô tình của mọi người”.
Tôi lại thầm mong mỗi người chúng ta trong khả năng và lòng nhân ái của mình, cùng lan tỏa tinh thần Lục Vân Tiên để xua dần đi sự vô cảm đang lấn át trong đời sống này.
Bình luận (0)