Hiểu đúng về chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế

15/11/2021 04:08 GMT+7

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế được xem là một trong những hội chứng khó đoán nhất trong số các bệnh về rối loạn tâm lý, khó điều trị dứt điểm và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của bệnh nhân.

Hiệp hội Tâm thần học Mỹ (APA) định nghĩa chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder - gọi tắt OCD) là một rối loạn sức khỏe tâm thần, theo đó người mắc OCD có những suy nghĩ không mong muốn hoặc nỗi lo, nỗi sợ dai dẳng (ám ảnh) khiến họ cảm thấy muốn thực hiện các hành động lặp đi lặp lại (cưỡng chế), chẳng hạn rửa tay, tắm rửa, dọn dẹp liên tục hoặc sắp xếp đồ đạc theo một cách nhất định (đối xứng, theo kích thước, hình dạng…), từ đó gây ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày và chất lượng sống, tùy theo mức độ bệnh.

Một biểu hiện của OCD: chỉ đi trên vạch trắng của phần đường dành cho người đi bộ

shutterstock

Dấu hiệu nhận biết

Theo APA, người lớn và trẻ em đều có thể bị OCD, tuy nhiên hội chứng này thường bắt đầu ở thời thơ ấu hoặc đầu tuổi trưởng thành; độ tuổi trung bình xuất hiện các triệu chứng là 19 tuổi và thường dễ khởi phát ở phụ nữ hơn nam giới.

Mọi người có thể mắc OCD theo nhiều cách khác nhau, từ đó dẫn đến các triệu chứng bệnh khác nhau. Đến nay, nguyên nhân chính xác của hội chứng này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra nhân tố môi trường (chấn thương tâm lý do mất người thân, mất kiểm soát cuộc sống, áp lực công việc...); tình trạng sức khỏe bản thân (suy giảm chức năng não dẫn tới mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh serotonin, norepinephrine; nhiễm liên cầu khuẩn…); hoặc tiền sử sức khỏe gia đình (có người thân từng mắc bệnh) cũng có thể là một trong số các nguyên nhân.

Đối với bệnh nhân OCD, những suy nghĩ không mong muốn thường đeo bám dai dẳng và nếu không thực hiện theo sự thôi thúc của những suy nghĩ đó, họ sẽ rất khó chịu và lo âu. Một số bệnh nhân cũng nhận biết rằng những âu lo của họ là không thực tế, nhưng vẫn khó thoát khỏi những suy nghĩ ám ảnh hoặc không thể ngừng các hành vi cưỡng chế bản thân.

Khi nào nên thăm khám?

Nhiều người dù không mắc bệnh nhưng trong một số giai đoạn cuộc sống, khi gặp quá nhiều vấn đề tiêu cực, ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm trạng cũng có thể dẫn đến việc họ thực hiện các hành vi cưỡng chế bản thân. Những tác động này thường không kéo dài, không gây gián đoạn cuộc sống hằng ngày và thường tự biến mất khi tâm lý người đó cân bằng trở lại.

Tuy nhiên, nếu nhận thấy các suy nghĩ ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế kéo dài hơn 1 giờ/ngày hoặc trực tiếp gây ra sự khó chịu, làm ảnh hưởng cuộc sống, cản trở công việc hay tác động tiêu cực đến các mối quan hệ xung quanh, thì người đó nên tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.

Hai bệnh nhân có biểu hiện bệnh giống nhau có thể sẽ không cùng hồi phục khi áp dụng chung một phương pháp điều trị. Tuy nhiên, nhìn chung, 70% người mắc OCD hiện nay có thể giảm đáng kể triệu chứng khi được điều trị kết hợp dược lý trị liệu (dùng thuốc chống trầm cảm, chống ám ảnh…) và liệu pháp nhận thức hành vi.

Triệu chứng OCD

Sợ bẩn, sợ chạm vào những thứ người khác đã chạm vào. Rửa tay liên tục.

Nghi ngờ và cứ suy nghĩ về việc liệu đã đóng cửa hay tắt bếp chưa. Kiểm tra đi kiểm tra lại để chắc rằng đã đóng cửa, tắt bếp.

Trở nên căng thẳng quá mức khi đồ vật không đặt đúng vị trí. Luôn sắp xếp tất cả các đồ hộp có nhãn quay ra ngoài, hoặc đều tăm tắp. Dọn dẹp quá thường xuyên để bảo đảm mọi thứ trong sự sắp xếp mà mình muốn.

Lặp đi lặp lại một lời cầu nguyện, từ hoặc cụm từ nào đó trong miệng.

Xuất hiện nỗi lo thường trực rằng mình có thể làm hại bản thân hoặc người khác mà bản thân mình không hề muốn như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.