Thậm chí có nhiều người đã lợi dụng nó để trục lợi, như loạt bài điều tra Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên mất tích mà Thanh Niên phản ánh từ ngày 12.6 về việc “team khởi nghiệp 360” (hay G360) núp bóng mô hình đa cấp để lừa đảo. Chúng tôi có dịp lắng nghe tâm sự của nhiều nạn nhân là sinh viên (SV) và nhận ra nhiều bạn nghĩ khởi nghiệp đồng nghĩa với làm giàu hay thu nhập tháng mấy trăm triệu.
Khởi nghiệp trước tiên phải là lối thoát cho sự sáng tạo, chứ không phải cho việc cải thiện đời sống kinh tế. Ở đó, khởi nghiệp là tiếng nói thành thật về năng lực, ý tưởng, khao khát mà người trong cuộc lắng nghe từ chính con tim mình rồi lựa chọn con đường hợp lý nhất.
Trong chương trình trực tuyến “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp” do T.Ư Đoàn, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Báo Thanh Niên phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển thanh niên tổ chức nhấn mạnh cần phân biệt giữa lập nghiệp và khởi nghiệp. Lập nghiệp là vận hành hoạt động kinh doanh truyền thống, được xã hội chấp nhận... Còn khởi nghiệp hay khởi nghiệp sáng tạo phải hướng về giải quyết những bài toán mới, cung cấp dịch vụ mới và quy mô lớn hơn. Vì mới nên có nhiều rủi ro.
Vì vậy, SV phải xác định năng lực, nguồn lực mình có đủ lớn để thực hiện nó không, nếu không, cần bổ sung như thế nào. Quá trình từ ý tưởng đến thực tế đòi hỏi rất nhiều năng lượng và khao khát trí tuệ.
Nhưng cuối cùng, bất kỳ một ý tưởng khởi nghiệp nào cũng cần tạo ra giá trị, sự cho đi - nhận lại, mà xa hơn là để phụng sự xã hội mới có thể đứng vững.
Khởi nghiệp, còn là thành thật và yêu người; văn minh và tôn trọng chứ không phải làm hồ sơ du học giả lừa cha mẹ để đầu tư đa cấp hay như trường hợp nạn nhân của “team khởi nghiệp 360” kể: 50 người trốn trong một căn phòng không ánh sáng hơn nửa tháng, tách biệt hoàn toàn với xã hội. Hãy hiểu đúng tinh thần khởi nghiệp.
Bình luận (0)