Hiểu được 60% về điện Kính Thiên

22/12/2023 07:23 GMT+7

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết các nhà khoa học đã đi được 60% quãng đường nhận thức phục dựng điện Kính Thiên.

Rõ nền móng chính điện

Ngày 21.12, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Hội thảo "Kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ từ năm 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long".

Hiểu được 60% về điện Kính Thiên- Ảnh 1.

Tư liệu của người Pháp về điện Kính Thiên

TL

PGS-TS Tống Trung Tín cho biết đã tìm thấy dấu tích nền thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Do các móng cột không đồng nhất, các nhà khảo cổ cho rằng có thể nhận định tuy nằm cùng một vị trí nhưng vị trí cụ thể của chính điện Kính thiên thời Lê sơ lệch một chút so với chính điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng.

Cũng theo ông Tín, cộng với các nghiên cứu liên tiếp qua nhiều năm, giờ đây mặt bằng của điện Kính Thiên đã được nhận diện rõ ràng hơn thời điểm Hoàng thành Thăng Long trở thành di sản thế giới rất nhiều. Dấu tích điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng đã xuất lộ 17 móng cột, tổng diện tích chính điện này khoảng 1.485 m2. Diện tích móng phía đông và phía tây cho thấy mặt bằng kiến trúc có dấu hiệu của 2 gian hồi nghĩa là đã khoanh lại quy mô của kiến trúc. Từ các dấu hiệu này, đối chiếu với các tham số của cổng Đoan môn, Ngự đạo, đoàn khai quật bước đầu xác định được phần nền móng đã xuất lộ có quy mô 9 gian.

Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy dấu tích sân Đại triều hay sân Đan trì, dự đoán tổng thể khoảng 12.000 m2. Dấu tích sân thời Lê Trung hưng lát gạch vồ màu xám và màu đỏ, sân thời Lê sơ lát gạch vuông màu đỏ, móng đền đắp đất sét sạch, công phu. Dấu tích Ngự đạo cũng được tìm thấy. Dù mặt Ngự đạo đã bị phá hủy hầu hết nhưng vật liệu để lại cho thấy có thể thời Lê Trung hưng mặt đường lát đá, thời Lê sơ lát gạch vuông cỡ lớn.

Các cuộc khai quật cũng phát hiện trên 70 cấu kiện kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng 9999 của một kiến trúc gỗ cao tầng thời Lê sơ. Khai quật phát hiện một hệ thống ngói rồng tráng men xanh, men vàng được thể hiện thành một con rồng chạm nổi độc đáo chỉ có ở Thăng Long, chỉ có ở VN. Đặc biệt, một mô hình nhà cũng được tìm thấy, đó là kiến trúc đất nung nhiều tầng tráng men ghi lại cấu hình của một kiểu mái lợp, một kiến trúc khung gỗ thời Lê sơ có trang trí rồng, sen. Cũng tìm thấy một thẻ đồng có tên "Cung nữ xuất mãi bài" là thẻ cấp cho cung nữ được phép ra vào nội cung để mua bán, chứng minh sinh động cho một khía cạnh sinh hoạt đời thường của cấm cung Thăng Long thế kỷ 15.

PGS-TS Tống Trung Tín cho biết các nhà khoa học đã đi được 60% quãng đường nhận thức phục dựng điện Kính Thiên.

Tăng cường thực hiện cam kết với UNESCO

Dù có nhiều thành quả, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, vẫn tiếp tục đề xuất các hướng nghiên cứu điện Kính Thiên tiếp theo. Ông Bài nói: "Tư liệu lịch sử, tư liệu khảo cổ nếu được cũng mới chỉ cho phép ta mường tượng về cái vỏ kiến trúc. Đã nói đến kiến trúc là phải nói đến nội thất. Cho nên cần nghiên cứu chuyên đề để phục dựng được nội thất. Chứ cung điện trống rỗng thì cũng không thể làm những chức năng mới. Đây là vấn đề cần đặt ra trong phục dựng điện Kính Thiên".

Hiểu được 60% về điện Kính Thiên- Ảnh 2.

Cây cối được giữ nguyên trong hố khai quật

TRINH NGUYỄN

Cũng theo ông Bài, cần đẩy mạnh các nghiên cứu di sản phi vật thể để phục dựng điện Kính Thiên. "Nòng cốt công năng của kiến trúc này là sinh hoạt cung đình, sinh hoạt hoàng gia, lễ hội truyền thống. Phải nghiên cứu những di sản phi vật thể đó mới giúp chúng ta có một công trình phục hồi có được sinh hoạt, và có được đời sống xã hội", PGS-TS Bài đề nghị.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, cho biết trung tâm của ông vẫn tiếp tục các chương trình thúc đẩy nhận thức điện Kính Thiên. "Chúng tôi đã mở tham quan ở các hố khai quật để công chúng được tiếp cận và hiểu về cung điện nguy nga của chúng ta ở khu vực điện Kính Thiên. Chúng tôi cũng sẽ thành lập các tổ nghiên cứu để nghiên cứu về điện này: tổ khảo cổ học, tổ kiến trúc, tổ lịch sử… cùng nghiên cứu hướng tới khôi phục điện Kính Thiên sớm nhất có thể", ông Quang nói.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, đại diện cho Văn phòng UNESCO tại VN, cho biết UNESCO có đề nghị Hà Nội chuẩn bị một báo cáo về tình trạng bảo tồn Hoàng thành Thăng Long. Trong đó, Hà Nội cần trả lời rõ đã làm được gì đối với 6 khuyến nghị của UNESCO khi ghi danh di sản thế giới này. "Về văn phòng tại VN, chúng tôi thấy VN đã hoàn toàn đáp ứng được các khuyến nghị đó, đặc biệt là với việc tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu khảo cổ học. Cũng cần báo cáo các phương án để nghiên cứu trục chính tâm ra sao, việc mở rộng khảo cổ học đảm bảo áp dụng khoa học công nghệ, các giải pháp không xâm lấn như thế nào", bà Hường nói.

Đoàn tư vấn liên ngành của UNESCO/ICOMOS đánh giá cao Hà Nội sau đợt kiểm tra Hoàng thành Thăng Long mới nhất. Báo cáo tháng 7.2023 nêu: "Các cuộc khai quật này đã phát hiện những bằng chứng mới liên quan đến cách bố trí của Hoàng thành Thăng Long các giai đoạn khác nhau, bao gồm vị trí của sân Đan trì, hướng của Ngự đạo, vị trí của điện Kính Thiên và vị trí của một số công trình cột đỡ. Các cuộc điều tra khảo cổ cũng đã thu được vô số di vật, làm sáng tỏ lịch sử di sản và những thành tựu của văn hóa VN trong suốt nhiều thế kỷ". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.