Hiểu như thế nào về Nghị quyết 78/2021 của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19?

23/07/2021 11:53 GMT+7

Nghị quyết 78/2021 đặt ra yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19 để chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp và cao hơn, chặt chẽ hơn so với Chỉ thị 16.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 20.7.2021 tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó cho phép thực hiện giãn cách xã hội mức cao, chặt chẽ hơn Chỉ thị 16 đối với các địa phương có diễn biến dịch tễ phức tạp.
Theo đó, khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 78/2021 nêu, căn cứ tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16, nhất là kiểm tra, giám sát chặt chẽ giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố...; hạn chế nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người. Rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập đã xảy ra vừa qua trong phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách chưa nghiêm, chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 78/2021, quy định về thành lập Tổ công tác “đặc biệt” của Chính phủ, đặt tại TP.HCM dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội…

Chính phủ: Giãn cách mức cao hơn ở nơi Covid-19 phức tạp, ưu tiên nguồn lực cao nhất cho TP.HCM

Thể hiện mức độ nghiêm trọng hơn đối với dịch bệnh

Vậy Nghị quyết 78/2021 có vai trò như thế nào trong công tác phòng chống dịch Covid-19?
Thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Đại học kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết Nghị quyết là những quyết định quản lý nhà nước của Chính phủ được ban hành theo trình tự tập thể; được ban hành để giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
“Nghị quyết tuy không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không được xem là quyết định mang tính quy phạm - tức không đặt ra quy tắc xử sự chung và không trực tiếp làm thay đổi hệ thống quy phạm pháp luật hành chính. Nhưng Chính phủ ban hành nghị quyết để quyết định các vấn đề về nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ…”, thạc sĩ Lưu Đức Quang nêu.

TP.HCM tăng cường Chỉ thị 16 chống Covid-19: Hai tuần tới có ý nghĩa quyết định

Theo ông Quang, về bản chất, Nghị quyết của Chính phủ hay Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ vẫn là văn bản hướng dẫn các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thực hiện một vấn đề gì đó, trong trường hợp này (Nghị quyết 78/2021 - PV) là hướng dẫn, quán triệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Nghị quyết ban hành trên cơ sở ý kiến thống nhất của các thành viên Chính phủ thì vai trò, mức độ nghiêm trọng sẽ đặt ở một bước cao hơn, so với Chỉ thị.
“Nghị quyết 78/2021 của Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu các địa phương tùy tình hình, diễn biến dịch bệnh có thể đưa ra các biện pháp giãn cách xã hội cao hơn, chặt chẽ hơn so với Chỉ thị 16. Nhưng những biện pháp cao hơn này, nếu thực hiện làm hạn chế quyền của người dân thì buộc phải căn cứ luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm hoặc pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm”, thạc sĩ Lưu Đức Quang nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.