Hiệu quả vắc xin khả quan, nhiều nước nới lỏng phong tỏa

17/05/2021 07:32 GMT+7

Vắc xin giúp giảm số ca mắc Covid-19 tại nhiều nước, mang lại hy vọng về việc mở cửa và khôi phục nền kinh tế.

Hãng Reuters hôm qua (16.5) đưa tin Pháp còn 4.271 bệnh nhân Covid-19 đang được chăm sóc, giảm 81 người so với hôm trước và giảm liên tục trong 12 ngày qua.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay nước này đã có 20 triệu người được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và tiến độ tiêm chủng đang tăng tốc. Với gần 30% dân số đã tiêm chủng cùng xu hướng khả quan về dịch bệnh, Pháp dự định mở cửa lại quán bar, nhà hàng từ ngày 19.5.

Tín hiệu lạc quan

Tương tự, nhiều nước có tỷ lệ tiêm vắc xin cao đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 giảm và bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia Ý (ISS) cho thấy nguy cơ mắc Covid-19, nhập viện và tử vong giảm dần vào 2 tuần sau đợt tiêm vắc xin đầu tiên.
“Dữ liệu này cho thấy hiệu quả của chiến dịch tiêm vắc xin và nhu cầu phải nhanh chóng tiêm chủng cho toàn dân để chấm dứt tình trạng khẩn cấp”, theo Chủ tịch ISS Silvio Brusaferro. Khoảng 8,3 triệu người tại Ý, tương đương 14% dân số, đã tiêm đủ 2 liều, trong khi khoảng 10 triệu người đã tiêm 1 liều. Từ ngày 14.5, Ý bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với người đến từ các nước Liên minh Châu Âu (EU), Anh và Israel xét nghiệm âm tính với Covid-19, nhằm thu hút du khách vào mùa hè.

Tháp nghiêng Pisa mở cửa đón du khách trở lại

Tại Mỹ, theo tờ The New York Times, phân nửa số bang có số ca mắc giảm mạnh trong 2 tuần qua, với trung bình khoảng 52.600 ca mắc mới hằng ngày trên cả nước, giảm 26% so với 2 tuần trước đó. Số ca mắc, nhập viện và tử vong trên cả nước đã giảm mạnh kể từ đỉnh dịch vào tháng 1. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng xu hướng này là nhờ tiến triển trong việc tiêm vắc xin kể từ khi ông nhậm chức. Ít nhất 43% dân số Mỹ đã tiêm 1 liều, 30% đã tiêm đủ 2 liều, với tiến độ khoảng 2,67 triệu liều được tiêm hằng ngày trên cả nước.
Trước tình hình trên, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (USCDC) ngày 13.5 ra hướng dẫn mới với nội dung những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin thì có thể không cần đeo khẩu trang khi ra đường lẫn khi ở trong nhà. Nhiều bang vận dụng khác nhau, trong đó Michigan thậm chí cho phép người chưa tiêm vắc xin không cần đeo khẩu trang ngoài đường, dù vẫn buộc người trưởng thành chưa tiêm đủ phải đeo khẩu trang trong nhà. Hiệp hội Nhà hàng quốc gia Mỹ cũng không còn đề nghị những người đã tiêm vắc xin đeo khẩu trang trong nhà. Hướng dẫn mới của USCDC gây phản ứng đa chiều. Giáo sư Walid Gellad tại Đại học Pittsburgh cho rằng hướng dẫn này đưa ra sớm 2 - 3 tuần.

Không còn đeo khẩu trang, Tổng thống Biden ca ngợi "cột mốc lớn lao" mới chống dịch Covid-19

Thận trọng hơn Mỹ, Canada chưa bỏ khuyến cáo đeo khẩu trang, nhưng sẽ từng bước cho phép các môn thể thao trong nhà và tụ họp nhiều thành viên gia đình nếu tỷ lệ tiêm vắc xin tiếp tục tiến triển.

Đẩy mạnh nguồn cung

Dù tác dụng của vắc xin được chứng minh tại nhiều nước, thực tế cho thấy chỉ 0,3% trong số các liều vắc xin đã được tiêm trên thế giới là tại 29 nước nghèo nhất, nơi chiếm 9% dân số toàn cầu. Các nhà sản xuất vắc xin đang cố gắng mở rộng dây chuyền sản xuất và hợp đồng với các đối tác để đẩy mạnh sản xuất hơn nữa.
Theo The New York Times, tổng tiến độ sản xuất của các hãng Moderna, Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson hiện là khoảng 400 - 500 triệu liều/tháng.
Tuy nhiên, thế giới cần hơn 10 tỉ liều để tiêm chủng cho 70% dân số, ngưỡng được cho là cần thiết để chặn đứng đại dịch. Công ty phân tích Airfinity (Anh) ước tính thế giới đã sản xuất 1,7 tỉ liều vắc xin Covid-19. Giới chuyên môn cho rằng một trong những khó khăn lớn là việc thiếu nguyên liệu thô và thiết bị, trong khi nhu cầu vắc xin có thể vượt quá ước tính, nếu như các biến thể nguy hiểm xuất hiện khiến mọi người phải tiêm nhắc nhiều liều hoặc tiêm các vắc xin nâng cấp.

Việt Nam đạt cam kết nhận 31 triệu liều vắc xin Covid-19 Pfizer-BioNTech trong năm nay

Dịch vẫn phức tạp ở Đông Nam Á
Tờ Bangkok Post hôm qua đưa tin Thái Lan ghi nhận thêm 24 ca tử vong trong ngày và 2.302 ca mắc Covid-19, nâng tổng số lên 589 ca tử vong và 101.447 ca mắc. Thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận vẫn là nơi đại dịch diễn biến phức tạp hơn so với các địa phương khác. Trung tâm xử lý tình hình Covid-19 Thái Lan bày tỏ lo ngại về các cụm lây nhiễm mới tại nơi ở của các công nhân xây dựng ở Bangkok. Tại một khu vực ở quận Lak Si, 86% trong số 559 lao động dương tính với Covid-19.
Campuchia hôm qua cũng ghi nhận thêm 350 ca mắc Covid-19 và 3 ca tử vong, nâng tổng số lên 22.184 ca mắc và 150 ca tử vong, theo Khmer Times. Cùng ngày, Lào ghi nhận thêm 21 ca mắc Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.