Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, đất nước ta trải qua nhiều năm chiến tranh nên việc đạt hiệu quả cao về kinh tế trở thành mục tiêu trước mắt. Đa số người dân, nhà đầu tư, lãnh đạo địa phương ưu tiên phát triển kinh tế mà gần như ít chú trọng đến việc gìn giữ môi trường sống, nên trong tương lai chúng ta có thể phải trả giá đắt cho việc phát triển đô thị thiếu bền vững.
"Nhà quy hoạch đô thị phải nhìn được tương lai từ những hành động hôm nay cũng như hậu quả phải gánh chịu nếu bị lệch hướng", ông Sơn nhận định.
Trong buổi tọa đàm, TS-KTS Nam Sơn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch - kiến trúc trong phát triển đô thị. Gần 40 năm làm việc chủ yếu ở các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương như Mỹ, Canada, Mexico, các nước châu Á..., ông Sơn cho rằng thế kỷ 21 châu Á phát triển rất mạnh về kinh tế nên việc đô thị hóa nơi đây cũng rất cao. Hồng Kông, Singapore tăng 100% số công trình xây dựng trong thập kỷ qua. VN cũng tăng lên tới 40% và có đến 1/2 dân số sống ở đô thị. Do lịch sử, vị trí, tập quán, văn hóa, lối sống của người dân khác nhau, mỗi đô thị châu Á có những vấn đề riêng trong phát triển.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc; từng thành công với nhiều dự án lớn ở VN, Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Cuốn sách Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại: Câu chuyện Quy hoạch - Kiến trúc (Phanbook và NXB Dân Trí phát hành) tập hợp những bài viết khoa học, ý kiến chuyên môn trước những vấn đề của đô thị VN trong khoảng 20 năm qua của ông.
Hồng Uyên
Theo ông, chuyên gia nước ngoài cũng khó thể giải quyết những vấn đề của đô thị VN hiện nay, khi mọi thứ đều liên quan đến văn hóa, lối sống của chính người Việt. Chính chúng ta phải đề ra những giải pháp và chiến lược quy hoạch đúng đắn cho đô thị tương lai. Một đô thị phát triển tốt, bền vững phải có sự hài hòa không gian, môi trường sống với phát triển kinh tế, xã hội và không ai phải trả giá trong tương lai. "Chúng ta phải nhận diện đang ở đâu và cùng nhìn về một hướng, không chỉ cho gia đình, xã hội và xa hơn là tương lai VN", ông nói thêm.
Đặt lợi ích người dân là trung tâm
"Khi nhà đầu tư đập bỏ một di sản kiến trúc để xây tòa nhà cao tầng ngay nội đô, ở góc độ kinh tế họ không làm sai khi được cấp phép. Nhưng những người dân chung quanh sẽ bị kẹt xe, ngập nước do mật độ dân số gia tăng. Đó là chưa nói đến di sản chất chứa ký ức của người dân, mang nặng yếu tố tinh thần, bị xóa bỏ.
Vấn đề ở đây là nhà lãnh đạo phải chỉ ra vị trí tốt nhất, đúng nhất để quy hoạch xây dựng một tòa nhà cao tầng thật hợp lý mà không phạm phải những điều nói trên. Tôi muốn phổ cập kiến thức về quy hoạch đến tất cả mọi người để ai cũng có thể hiểu và ý thức được chuyện này vì thế hệ tương lai. Chuyện phát triển đô thị bền vững là trách nhiệm của mọi người", ông Sơn khẳng định.
Ông Sơn cho biết, ở Mỹ, chính quyền rất nghiêm ngặt khi xây dựng công trình mới cạnh các di sản vì phải tuân theo quy hoạch, dùng kiểu dáng, chất liệu, sơn màu gì để hài hòa với tổng thể, không được tự ý xây theo ý thích. Và càng không thể đập một di sản để xây cao ốc. Hàng trăm nghìn công trình đang được xây dựng ở nước ta hầu hết bỏ qua tác động của môi trường thì khó thể phát triển bền vững.
"Thiết kế đô thị không chỉ hiểu hạn hẹp là thiết kế đường sá, cầu cống mà ngày nay còn bao gồm thiết kế môi trường sống cho nhiều tầng lớp người. Vì vậy khó có đô thị kiểu mẫu mà chỉ có tư duy kiểu mẫu. Mỗi đô thị có giá trị riêng, dành cho nhiều tầng lớp người", KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.
TS khảo cổ Nguyễn Thị Hậu bày tỏ hy vọng đội ngũ trí thức sẽ cố vấn cho lãnh đạo các thành phố trong việc xây dựng đô thị bền vững. "Chính quyền, nhà nghiên cứu, cộng đồng dân cư, các nhà đầu tư là 4 yếu tố quyết định việc phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên còn yếu tố trách nhiệm của những người làm chuyên môn. Khi viết sách anh Sơn cũng chia sẻ trách nhiệm này", bà nói.
KTS Tôn Thất Liêm, bạn cùng khóa ĐH Kiến trúc với ông Ngô Viết Nam Sơn, từng du học Thụy Điển và Nhật Bản, cũng rất trăn trở về quy hoạch đô thị. Ông khẳng định có những dự án cải tạo đô thị tưởng chừng rất khó thực hiện, nhưng khi có sự đồng lòng từ các cấp lãnh đạo đến người dân thì cuối cùng cũng hoàn thành. "Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo TP.HCM đã trở thành hiện thực. Tôi là người chịu trách nhiệm chính lên kế hoạch dự án, phối hợp với rất nhiều ban ngành, dù thủ tục nhiêu khê nhưng quyết tâm là làm được", ông Liêm nói.
TS Nguyễn Thị Hậu lưu ý cần tôn trọng sự đa dạng văn hóa khi làm công tác quy hoạch đô thị. "Sự đa dạng của các đô thị bắt nguồn từ đa dạng văn hóa. Đa dạng văn hóa không chỉ nằm ở con người đang sống, mà còn lưu tại ký ức của những người đã sống, từ đó mới hình thành nên bản sắc đô thị", bà nói.
Bình luận (0)