Hiệu trưởng ĐH Cornell: 'Việt Nam rất quan trọng với Cornell'

07/02/2023 21:06 GMT+7

Trao đổi với báo chí sau buổi giảng bài tại Trường đại học (ĐH) VinUni, GS Michael I. Kotlikoff, Hiệu trưởng ĐH Cornell (Mỹ), khẳng định: "Việt Nam rất quan trọng đối với Cornell" và "hy vọng có thêm nhiều sinh viên Việt Nam trúng tuyển ĐH Cornell".

Chiều 7.2, GS Michael I. Kotlikoff, Hiệu trưởng thứ 16 của ĐH Cornell danh tiếng đã có bài giảng đại chúng tại Trường ĐH VinUni.

Bài giảng được thực hiện trong khuôn khổ chuyến công tác 2 ngày ở Việt Nam của GS Kotlikoff, nhằm trao đổi về hoạt động và dự án hợp tác đã triển khai giữa VinUni và Cornell (dự án học thuật, trao đổi sinh viên, chương trình 3+2, học bổng Vingroup ...), cơ hội hợp tác nghiên cứu của hai bên trong thời gian tới.

Giáo sư hiệu trưởng ĐH Cornell: hy vọng thêm nhiều sinh viên Việt Nam vào học Cornell - Ảnh 1.

Chiều 7.2, GS Michael I. Kotlikoff, Hiệu trưởng thứ 16 của ĐH Cornell danh tiếng đã có bài giảng đại chúng tại Trường ĐH VinUni

THANH LÂM

Bài giảng đại chúng của GS Kotlikoff có chủ đề "Sáng tạo đổi mới giải quyết các thách thức lớn"; trong đó nêu một số chương trình chính ĐH Cornell thực hiện như những ví vụ về cách thức mà một ĐH có thể thúc đẩy sự đổi mới, cùng hợp tác cải thiện cuộc sống của mọi người và giải quyết các thách thức đang tồn tại trong xã hội của chúng ta.

Trong bài giảng của mình, GS Kotlikoff cũng đã nhấn mạnh về lịch sử gắn kết toàn cầu của Cornell và quan hệ đối tác 150 năm với châu Á, một thành tố không thể thiếu, đặt nền tảng cho hoạt động hợp tác quốc tế của ĐH Cornell.

Đào tạo, nghiên cứu phục vụ cuộc sống

Một trong những ví dụ được GS Kotlikoff nhắc đến như một minh chứng cho quan điểm đào tạo, nghiên cứu phục vụ cuộc sống của ĐH Cornell là chương trình Earth Source Heat mà ĐH này đang thực hiện ở giai đoạn đầu.

Đây là một dự án ứng dụng liên ngành, nghiên cứu lõi thuộc lĩnh vực địa chất, thu nhiệt từ trong lòng đất để sưởi ấm tòa nhà mà không cần đốt nhiên liệu hóa thạch. Việc này sẽ giúp ĐH Cornell loại bỏ gần như hoàn toàn carbon trong khuôn viên trường.

"Nhiều năm trước, chúng tôi đã thiết lập hệ thống làm mát Lake Source (hồ trung tâm), cho phép làm mát tòa nhà của mình bằng nước rất lạnh chảy ra từ trong hồ. Nếu chúng tôi có thể chứng minh rằng cách làm này có hiệu quả thì đó là một công nghệ có thể ứng dụng cho khu dân cư, cho cộng đồng", GS Kotlikoff chia sẻ.

Theo GS Kotlikoff, để tạo được tác động lớn, các ĐH nghiên cứu lớn cần tiên phong đưa ra những giải pháp đổi mới, sáng tạo cho những thách thức lớn nhất của nhân loại. Những thách thức này vô cùng phức tạp và đòi hỏi chuyên môn từ nhiều ngành và sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Phát triển mạnh các chương trình nghiên cứu châu Á

Trước khi nói về vấn đề phát triển ĐH toàn cầu, trong đó châu Á như một nhân tố không thể thiếu, GS Kotlikoff đã nhắc về lịch sử thành lập Cornell, với xuất phát điểm là một cơ sở giáo dục mang đến các cơ hội bình đẳng cho mọi người.

Giáo sư hiệu trưởng ĐH Cornell: hy vọng thêm nhiều sinh viên Việt Nam vào học Cornell - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi giảng đại chúng của GS Kotlikoff tại Trường ĐH VinUni

THANH LÂM

Người sáng lập Cornell là Ezra Cornell, từng là một nông dân, sau này là nhà phát minh. Ông Ezra Cornell, với mong muốn sử dụng tài sản của mình "cho những điều vĩ đại nhất", đã sáng lập ĐH Cornel với kỳ vọng mang đến chương trình đào tạo thực tế về các kỹ năng có liên quan đến cuộc sống hàng ngày của mọi người.

Kỹ thuật, công nghệ và khai phóng là 3 mục tiêu tạo tiền đề cho việc sớm thiết lập các mối quan hệ đối tác toàn cầu của Cornell, đồng thời tạo cơ sở cho sự gắn kết sâu sắc của Cornell với khu vực châu Á.

"Việc tập trung vào các lĩnh vực mang tính ứng dụng cao này đã ảnh hưởng đến các sinh viên cư trú trong khuôn viên trường. Đó là một phần lý do tại sao Cornell được coi là "Ivy dân chủ", bởi chúng tôi là một tổ chức đến từ nhiều tầng lớp xã hội, cởi mở với tất cả mọi người bằng tài năng và năng lượng, tận tâm giải quyết những thách thức lớn của xã hội", GS Kotlikoff chia sẻ.

Ngay từ những ngày đầu, ông Ezra Cornell đã xác định Cornell là một ĐH mà "bất kỳ ai cũng có thể học hỏi về bất kỳ nghiên cứu nào", là nơi mà có sinh viên xuất thân từ mọi thành phần xã hội, có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, người nước ngoài, người nhập cư hay người da màu. Cornell cũng chào đón sinh viên nữ ngay từ những ngày đầu thành lập. Cách tiếp cận này đã đặt nền tảng cho việc hợp tác quốc tế của ĐH Cornell.

GS Kotlikoff cũng tự hào bày tỏ: "Đặc tính cởi mở và đa dạng mà tôi vừa mô tả đã thu hút và chào đón sinh viên nước ngoài, đặc biệt là sinh viên đến từ châu Á, gần như ngay từ những ngày đầu thành lập Cornell. Lớp học đầu tiên của chúng tôi đã có 5 sinh viên quốc tế.

Một trong những chiến lược phát triển kết nối toàn cầu của Cornell là đón chào các sinh viên quốc tế tới đây. Việc nghiên cứu các ngôn ngữ toàn cầu và xây dựng các chương trình nghiên cứu châu Á mạnh mẽ cho thấy, các nghiên cứu về lịch sử và văn hóa toàn cầu thực sự đang rất phát triển tại Cornell.

Tương tự, các hoạt động hợp tác quan trọng trong phát triển nông nghiệp, kinh tế và khoa học công nghệ là một phần không thể thiếu trong hợp tác chiến lược với các trường ĐH, cơ sở giáo dục và chính phủ tại châu Á từ những năm đầu của thế kỷ 20. Điều này đã thu hút nhiều sinh viên cũng như giảng viên châu Á tới Cornell, những người đã đóng góp rất nhiều cho Cornell. 

Ngày nay, chúng tôi tiếp tục tuyển thêm rất nhiều các sinh viên xuất chúng từ châu Á vào đội ngũ giảng viên tại Cornell, cũng như VinUni đang tuyển dụng nhiều sinh viên tài giỏi từ Cornell vào đội ngũ giảng viên của quý vị".

Hy vọng thêm nhiều sinh viên Việt Nam trúng tuyển vào Cornell

Trao đổi với các nhà báo Việt Nam sau bài giảng đại chúng, trước câu hỏi về tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược phát triển toàn cầu nói chung của ĐH Cornell, GS Kotlikoff khẳng định: "Tôi nghĩ Việt Nam rất quan trọng đối với Cornell".

Giáo sư hiệu trưởng ĐH Cornell: hy vọng thêm nhiều sinh viên Việt Nam vào học Cornell - Ảnh 3.

Một sinh viên Trường ĐH VinUni đặt câu hỏi với GS Michael I. Kotlikoff

THANH LÂM

Theo GS Kotlikoff, Việt Nam là khu vực nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu ở ĐH Cornell. ĐH này có một chương trình nghiên cứu về Đông Nam Á. Đây là một trong những chương trình tốt và danh giá nhất của ĐH Cornell. "Chúng tôi hy vọng có thêm nhiều sinh viên Việt Nam trúng tuyển vào ĐH Cornell", GS Kotlikoff nói.

GS Kotlikoff cũng cho biết, việc hợp tác với VinUni chính là xuất phát từ đánh giá về tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược phát triển của ĐH Cornell. Từ hợp tác này, ĐH Cornell đã luân chuyển GS của mình đến làm Hiệu trưởng Trường ĐH VinUni.

Một số lãnh đạo khác và giảng viên cũng đã được luân chuyển đến đây từ Cornell. Đội ngũ ấy đã tham gia hoàn tất xây dựng chương trình học thuật, xây dựng cơ sở vật chất và giảng dạy cho sinh viên. "Tôi thật sự tự hào khi thấy những công việc đã được triển khai ở đây", GS Kotlikoff nói.

Tuy nhiên, cũng theo GS Kotlikoff, cho đến nay hai bên chủ yếu hợp tác trong lĩnh vực giảng dạy. Bây giờ là lúc để bắt đầu kêu gọi sự tham gia của giảng viên hai bên cùng hợp tác vào những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng.

Một số lĩnh vực đang được ĐH Cornell quan tâm, như: trí tuệ nhân tạo (AI), thành phố thông minh, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và biến đổi khí hậu… Đó là cơ hội để giảng viên Cornell và giảng viên VinUni làm việc cùng nhau để giải quyết một số thách thức mà toàn cầu, trong đó có Việt Nam đang đối mặt.

GS Michael I. Kotlikoff là Hiệu trưởng, Giám đốc Học thuật, Giám đốc Tài chính và Phó chủ tịch thường trực thứ nhất của ĐH Cornell.

ĐH Cornell là một ĐH thuộc khối Ivy League, có trụ sở tại New York (Mỹ). Đây là một trong những ĐH được xem là xuất sắc nhất thế giới, là đối tác chiến lược của Trường ĐH VinUni.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.