Thời gian gần đây, hàng loạt vụ lừa đảo “con đang cấp cứu” đã lan rộng từ TP.HCM ra nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, trong đó có trường hợp phụ huynh bị lừa mất gần 200 triệu đồng. Dư luận đặt câu hỏi về vấn đề bảo mật thông tin của nhà trường liệu có dễ dàng lọt ra ngoài khi những kẻ lừa đảo nắm đầy đủ thông tin cá nhân của học sinh.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (ở quận 10, TP HCM) xác nhận việc các trường giữ rất nhiều thông tin của phụ huynh và học sinh, từ địa chỉ cơ quan, số điện thoại cho đến hồ sơ học sinh.
Trả lời câu hỏi về vấn đề bảo mật thông tin, ông Phú khẳng định nhà trường tự tin về vấn đề này: "Đối với Trường THPT Nguyễn Du, chúng tôi đề cử thầy tổ trưởng tổ tin học, đồng thời là Chủ tịch Công đoàn. Xét về mặt năng lực và phẩm chất, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào thầy phụ trách mảng này. Kể cả Ban giám hiệu, chúng tôi cũng không biết việc này. Những thông tin đó, khi cần trích xuất để tìm hiểu, không ai được quyền vào trong nguồn thông tin hồ sơ của các em.
Trong quá trình lưu như vậy, thầy đó cũng có những kỹ thuật bên vi tính, khi anh xâm nhập vô thì có thể lấy nhưng không làm gì được vì mã hoá. Khi mình lấy thông tin ra được nhưng không mã hóa ra được thì không xài được. Đó là công tác bảo mật tốt. Tôi tin rằng, về phía nhà trường cơ bản làm rất tốt nhưng nếu đối diện với hacker muốn lừa gạt thông mạng thì khó lòng lắm".
Hiện nay, ngoài Zalo và Facebook, trường THPT Nguyễn Du cũng sử dụng phần mềm quản lý học sinh riêng. Ông Phú chia sẻ, bên cạnh trách nhiệm bảo mật thông tin, phụ huynh cũng phải nâng cao cảnh giác để hạn chế các rủi ro, tránh rơi vào bẫy lừa đảo. Tuy nhiên, cũng theo ông Phú, nếu xảy ra sự việc lừa đảo tương tự với học sinh nhà trường, trách nhiệm thuộc về cơ quan an ninh.
Bình luận (0)