Hiệu trưởng phải quản lý chặt giáo viên của mình về dạy thêm, học thêm

12/02/2025 13:46 GMT+7

Lãnh đạo Sở GĐ-ĐT Bình Thuận khẳng định khi Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, hiệu trưởng nhà trường phải có trách nhiệm theo dõi, quản lý giáo viên của mình chặt chẽ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Đã cấm dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường từ trước Thông tư 29

Ngày 12.2, trả lời PV Thanh Niên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận Lương Văn Hà cho biết, trước khi Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT ra đời (có hiệu lực từ ngày 14.2.2025), Bình Thuận đã cấm dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

"Do đó, hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường thời gian qua được tổ chức, quản lý đi vào nền nếp, đây cũng là một trong những yếu tố góp phần vào kết quả đỗ tốt nghiệp của tỉnh trong những năm qua", ông Hà cho hay.

Theo ông Hà, Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT ra đời (thay thế Thông tư 17 năm 2012), góp phần đưa hoạt động dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường đi vào nền nếp; góp phần hạn chế bớt tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, lãng phí nguồn lực xã hội và gây bức xúc dư luận.

Hiệu trưởng phải quản lý chặt giáo viên của mình về dạy thêm, học thêm- Ảnh 1.

Các hoạt động dạy học chính khóa trong nhà trường là yếu tố quyết định để hạn chế dạy thêm, học thêm

ẢNH: QUẾ HÀ

Ai làm sai phải chịu trách nhiệm và bị xử lý

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Thuận khẳng định, để việc dạy thêm, học thêm đúng với quy định mà Thông tư 29 thì vai trò của hiệu trưởng nhà trường là quan trọng nhất. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 6 của Thông tư 29, nêu: "Giáo viên đang dạy học tại các trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (gọi chung là hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm". Vì vậy, hiệu trưởng phải có trách nhiệm quản lý giáo viên của mình, theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên thuộc thẩm quyền.

"Giáo viên cần thực hiện đúng theo quy định của Thông tư 29. Ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm, bị xử lý theo đúng luật Viên chức", ông Hà nêu.

Cũng theo ông Lương Văn Hà, hiện nay Sở GD-ĐT đang tiến hành quy trình đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh theo đúng thẩm quyền; đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thường xuyên để việc dạy thêm, học thêm được thực hiện đúng theo quy định.

"Quan điểm của ngành GD-ĐT hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học trong trường, học sinh có thời gian tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc. Các em không chỉ học kiến thức, mà còn được phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội", ông Hà chia sẻ.

Hiệu trưởng phải quản lý chặt giáo viên của mình về dạy thêm, học thêm- Ảnh 2.

Kiểm soát dạy thêm, học thêm để các em học sinh có cơ hội tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ trong nhà trường

ẢNH: QUẾ HÀ

Tạo môi trường học tập tích cực cho học sinh

Trả lời về việc trách nhiệm của giáo viên khi các hoạt động dạy thêm, học thêm được quản lý, lãnh đạo Sở GD- ĐT Bình Thuận cho rằng trách nhiệm của người thầy có vai trò quan trọng trong việc tạo nên môi trường học tập tích cực, hiệu quả. Với những học sinh yếu, còn đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là phải bổ trợ cho các em.

"Do đó, mỗi thầy cô giáo cần nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, giảng dạy với tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm, luôn hướng đến việc giúp học sinh nắm vững kiến thức và phát triển kỹ năng. Không nên tạo áp lực hay đưa ra các yêu cầu mà học sinh cảm thấy bắt buộc phải tham gia học thêm, tạo ra tâm lý căng thẳng. Trong đó việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu của chương trình đặt ra", lãnh đạo Sở GĐ-ĐT Bình Thuận nêu.

Phụ huynh cho con em học thêm cần dựa trên nhu cầu thực sự

"Lĩnh vực giáo dục nói chung và vấn đề dạy thêm - học thêm, nói riêng, nếu chỉ có các nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ. Nó đòi hỏi cần có sự nhìn nhận đúng, sự giám sát của phụ huynh và xã hội. Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực. Phụ huynh quyết định cho con em tham gia các lớp học thêm cần dựa trên nhu cầu thực sự, cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn những lớp học thêm phù hợp, đảm bảo không gây quá tải hoặc làm giảm hứng thú học tập của các em. Ngành giáo dục sẽ triển khai tuyên truyền, phổ biến Thông tư 29 một cách rộng rãi, đồng bộ đến toàn ngành, để quy định này mau chóng đi vào thực tiễn của cuộc sống", Phó giám đốc Sở GĐ-ĐT Lương Văn Hà nêu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.