Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM: 'Mức tăng học phí là không quá sốc!'

25/06/2020 17:34 GMT+7

Hiệu trưởng các trường: ĐH Y Dược TP.HCM và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng học phí khối ngành y dược hiện quá thấp không thể đào tạo được nhân lực bậc cao và để sinh viên cạnh tranh trong khu vực.

Cuộc họp Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH khối ngành sức khỏe của TP.HCM lần thứ 9 diễn ra ngày 25.6 tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nóng với câu chuyện tăng học phí nhóm ngành y dược
 Chất lượng đào tạo thụt lùi vì học phí thấp!
Giải thích về mức học phí trong đề án tuyển sinh năm nay tăng vọt, PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết vừa qua trường công bố đề án tuyển sinh bao gồm mức học phí dự kiến phải thu khiến dư luận có nhiều ý kiến. Nhưng mức tăng học phí này không quá sốc, không "khủng" như suy nghĩ ban đầu của nhiều người.
Theo PGS-TS Tuấn, có 3 yếu tố quan trọng để cấu thành nên mức học phí của nhà trường là cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên. Học phí hiện nay của trường vẫn chưa tính đúng, tính đủ và trường vẫn còn phải bù lỗ. Nếu học phí quá thấp thì không thể đào tạo được nhân lực bậc cao có khả năng cạnh tranh trong khu vực. Nếu học phí thấp không chỉ ảnh hưởng đến trường mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực của nền kinh tế quốc dân. Học phí thấp, thu nhập giảng viên không tăng thì giảng viên sẽ khó khăn, trường không thể giữ được người dạy. 
PGS-TS Tuấn đặt vấn đề: "Vì sao chúng ta không đào tạo được nguồn nhân lực có mức độ cạnh tranh trong khu vực? Chúng ta vẫn nghe có những tập đoàn lớn muốn dời nhà máy đến Việt Nam nhưng vẫn băn khoăn không có nguồn nhân lực bậc cao, có giá trị cao". 

Buổi họp hội đồng hiệu trưởng khối ngành sức khỏe sáng ngày 25.6

Đăng Nguyên

Theo PGS-TS Tuấn, thời gian vừa qua trường đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở vật chất và chương trình đào tạo. Ở các trường khác có chương trình đào tạo chất lượng cao và đại trà, Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng đã phối hợp với ĐH Havard để xây dựng chương đào tạo, thực chất có thể coi đây là chương trình chất lượng cao. Nhưng nhà trường và các thầy cô cho rằng trong một trường đào tạo ngành sức khỏe, không thể có chương trình chất lượng cao và chương trình đào tạo khác.
Ngoài ra, hiện nay sinh viên một số trường y tại Việt Nam có thể thi bằng tương đương để hành nghề y khoa tại Mỹ. Tuy nhiên, theo quy định mới, từ năm 2024, nếu trường ĐH không được kiểm định chất lượng và được công nhận bởi Liên đoàn đào tạo y khoa thế giới, sinh viên sẽ không được tham gia kỳ thi này. Nếu không tăng học phí thì các trường khó thực hiện việc này và sẽ là bước lùi đối với đào tạo y khoa tại Việt Nam.
Hiện trường đang rất khó khăn về chuyện này, rất cần thành phố tháo gỡ. Vì nếu không giải quyết được thì trường sẽ mất giảng viên. Trường không giữ được giảng viên giỏi thì có thể dẫn đến chuyện không đủ giảng viên cho ngành, không giữ được mã ngành đào tạo" 
PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Trường rất khó khăn, nhờ thành phố tháo gỡ

PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng cho biết vấn đề học phí cũng đang khiến trường rất khó khăn. "Hiện nay học phí y khoa tại trường là 13 triệu đồng/năm. Trường đã xây dựng mức học phí 32 triệu đồng/năm nhưng chưa được duyệt. Đào tạo khối ngành sức khỏe rất tốn kém, trong khi mức học phí khối ngành sức khỏe của Việt Nam so với nước ngoài thì thua xa rất nhiều", PGS.TS Ngô Minh Xuân cho hay. 
"Hiện trường đang rất khó khăn về chuyện này, rất cần thành phố tháo gỡ. Vì nếu không giải quyết được thì trường sẽ mất giảng viên. Trường không giữ được giảng viên giỏi thì có thể dẫn đến chuyện không đủ giảng viên cho ngành, không giữ được mã ngành đào tạo", PGS.TS Xuân nhấn mạnh. 
PGS-TS Ngô Minh Xuân cũng cho biết hiện nay hầu như các bệnh viện tại TP.HCM đều đã tự chủ (chỉ còn 2 bệnh viện đặc thù). Với 62 bệnh viện thực hành, khi gửi sinh viên đến thực tập, trường phải năn nỉ bệnh viện tạm thu tiền với giá tượng trưng. Có một số bệnh viện cũng khó khăn nên không ký hợp đồng với trường nữa!

Câu chuyện tăng học phí của Trường ĐH Y Dược TP.HCM được dư luận quan tâm trong những ngày vừa qua

Đăng Nguyên

Tăng học phí cần chứng minh có cơ sở 

PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết để tăng sự thuyết phục của đề án, nên tính rõ chi phí đào tạo thể hiện bằng con số. Để nâng cao chất lượng thì cũng phải đầu tư. Thu học phí cao, người học đòi hỏi nâng chất lượng ở phòng thí nghiệm, bài giảng… Đây là yêu cầu chính đáng và khi trường không đáp ứng được thì sinh viên sẽ bỏ, thí sinh không tới. Đó là cơ hội cũng là thách thức để cải thiện.
GS-TS Nguyễn Văn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng tăng học phí khối ngành y dược là tất nhiên. Nhưng tăng trên cơ sở thế nào? Phải có công trình chứng minh tăng bao nhiêu lần là phù hợp, sinh viên sẽ được tăng lên việc tiếp thu kiến thức cụ thể ra sao... Nếu cần thiết, thành lập nhóm giúp khảo cứu về điều này. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.