Đối với nam và nữ, cà phê là phương tiện giao tiếp xã hội và sinh hoạt chủ yếu. Sự khác nhau là nam giới gặp nhau tại các quán cà phê công cộng, trong khi phái nữ kết thân qua sự chiêu đãi tại nhà.
Thổ Nhĩ Kỳ có địa thế chính trị là nơi giao lưu của cả châu Á, châu Âu và châu Phi. Về văn minh tâm linh, sự dị biệt giữa ba truyền thống độc thần giáo cùng xuất phát từ Abraham là đạo Do Thái, đạo Kitô và đạo Islam khiến có những sự đụng độ và tranh chấp đến nay vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên, về mặt văn minh vật thể, người Turki đã đóng góp cho châu Âu và ngày nay là cả thế giới hai món quà phổ thông: đó là tắm hơi nóng (Turkish bath) và cà phê (Turkish coffee).
Cà phê lan truyền âm thầm từ thế kỷ 16 và thực sự xâm chiếm châu Âu ồ ạt từ sau thế kỷ 17. Lịch sử cho biết năm 1555 có hai người lái buôn Syria đầu tiên mang cà phê tới bán ở thủ đô của Turki là Istanbul như “sữa cho những người chơi cờ và những người suy tư”. Đến giữa thế kỷ 17, cà phê đã xâm nhập vào triều đình đế quốc Ottoman với những viên quan phụ trách cà phê có đến hơn 40 người phụ tá pha chế và dọn hầu cho hoàng đế và các cận thần.
|
Với giới cấm tuyệt đối của kinh Qur’an (còn gọi là Koran) về các thức uống có nồng độ của rượu cồn, cà phê trở thành thức uống được ưa chuộng của toàn xã hội.
Ở Turki, các tập tục về hôn nhân và giới tính cũng được quy định qua nghi thức về cà phê. Phụ nữ được huấn luyện kỹ lưỡng trong hậu cung và trong từng gia đình về việc pha chế này. Những người chồng tương lai cũng xét phẩm chất một phụ nữ qua kỹ năng và thị hiếu khi dọn mời cà phê chẳng khác nào xã hội Á Đông xét việc pha trà và têm trầu. Cà phê đã trở thành sự giao lưu và tương tác xã hội hàng đầu, kể cả nhu cầu về đãi khách, cầu nguyện, tĩnh tâm tại gia. Thậm chí cho đến ngày nay, việc cưới hỏi cũng được định đoạt qua sự chiêu đãi cà phê chính thức.
Đối với nam và nữ, cà phê là phương tiện giao tiếp xã hội và sinh hoạt chủ yếu. Sự khác nhau là nam giới gặp nhau tại các quán cà phê công cộng, trong khi phái nữ kết thân qua sự chiêu đãi tại nhà.
|
Từ thế kỷ 20, với những quan niệm cởi mở về sự bình quyền nam nữ và dân chủ trong xã hội, các quán cà phê là nơi bạn bè và các gia đình có thể sinh hoạt tự do.
Chủ yếu sử dụng loại cà phê Arabica, người Turki sử dụng ấm pha cà phê nhỏ gọi là cezve đáy lớn và phía trên nắp hẹp lại. Vật liệu là hạt cà phê được rang kỹ và nghiền thật nhuyễn như bột. Thông thường ấm được làm bằng đồng để dẫn nhiệt cho tốt và có tay cầm bằng gỗ cho khỏi nóng - ngày nay cũng sử dụng các ấm sắt hoặc nhôm có tráng một lớp men chống dính. Thìa hay muỗng được dùng để đong lượng cà phê và đường, phần lõm trung bình dài 1 cm và rộng 0,5 cm.
Nhiệt được để thấp cho cà phê không bị quá mau sôi và có đủ thời gian chiết xuất hương vị và bọt, dùng than hồng hoặc một chiếc khay nhỏ chứa cát và đặt trên bếp. Khi cát đủ độ nóng, ấm cà phê được đặt lên cát để sự truyền nhiệt đều và dịu hơn lửa trực tiếp.
Cà phê Turki (Turkish coffee) chỉ phong cách pha chế hơn là chủng loại của cà phê. Đúng cách nhất là hạt cà phê chỉ được rang ngay trước khi pha chế. Bột nghiền thật nhuyễn này được ngâm trong nước lạnh, đo lường kỹ lưỡng, đun nóng nhưng không sôi và đủ lâu để các axít béo và các hợp chất đặc thù được bảo tồn trọn vẹn. Có 4 độ về ngọt: 1- Sada (lạt, không đường); 2- az sekerli (ít đường, nửa muỗng cho mỗi tách); 3- orta sekerli (vừa đường; một muỗng gạt cho mỗi tách); và 4- sok sekerli (nhiều đường, muỗng rưỡi cho mỗi tách). Trong thế giới Arab, cà phê lạt, tức đen không đường rất phổ biến.
Ấm cà phê có thể hâm nóng hai hoặc ba lần rồi sau đó rót vào các cốc. Nghệ thuật pha chế cà phê tuyệt nhất là bọt thật dày. Để làm tối đa bọt, ấm phải giơ lên cao và rót chậm rãi, chia đều cho các tách. Cà phê có thể pha chế chung với đậu khấu (cardamom) và quế (cinnamon) để làm phong phú thêm hương vị. Cà phê đã rót ra tách không được sử dụng muỗng để khuấy.
Cặn bột cà phê đọng trong tách sau khi đã uống xong được úp xuống đĩa và có thể dùng làm thứ điềm triệu để bói xem vận mệnh may rủi. Phép bói này gọi là bói cặn cà phê (fassomancy), cũng được áp dụng cho bã trà, như một trong các phương pháp giao tiếp xã hội, dù không có cơ sở khoa học và luận lý nào.
Bình Nguyên
Bình luận (0)